Sau 5 năm tích góp, vợ chồng anh Nguyễn Quyết Thắng (Hà Đông, Hà Nội) đã sở hữu một ngôi nhà ấm cúng khi mức thu nhập của hai vợ chồng vào khoảng 15 triệu/tháng.
Chia sẻ với PV, anh Thắng cho biết, hiện anh là một viên chức nhà nước với mức lương khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng, vợ anh là đầu bếp của nhà hàng có mức lương 12 triệu đồng/tháng. Cả hai vợ chồng đều là người tỉnh lẻ ra Thủ đô làm việc. Hai vợ chồng anh kết hôn từ năm 2012, hiện có hai bé trai, một bé 6 tuổi, một bé 7 tháng tuổi.
Cách đây 5 năm, khi tổng thu nhập của hai vợ chồng anh khoảng 15 triệu đồng/tháng, qua người quen giới thiệu, vợ chồng anh quyết định mua một mảnh đất 45m2 tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) với giá 700 triệu đồng. Khi đó, tiền tiết kiệm của anh chị chỉ vẻn vẹn 100 triệu đồng. Số tiền mua đất còn thiếu anh chị vay hai bên ông bà nội ngoại, họ hàng, bạn bè, người thân… Đặc biệt, thời điểm đó vợ anh đang là giúp việc cho một gia đình khá giả tại Hà Nội với mức lương 10 triệu/tháng. Quý tính chị thật thà, chăm chỉ, chủ nhà cho anh chị vay 300 triệu không tính lãi, trừ vào lương hàng tháng của chị. Sau hơn 3 năm, anh chị trả đủ tiền cho chủ nhà và hiện chị chuyển sang làm đầu bếp tại một nhà hàng với mức lương 12 triệu đồng/tháng.
|
Có 100 triệu đồng vẫn sở hữu căn nhà ở Thủ đô nhờ kế hoạch chi tiêu hợp lý. |
Anh Thắng chia sẻ, khi quyết định mua đất xây nhà, anh chị mới có một bé trai. Anh chị không muốn cứ phải sống cảnh đi thuê trọ mãi, quyết tâm có được một căn nhà của riêng mình nên khi cơ hội đến là anh chị nắm bắt ngay, dù lúc đó số tiền anh chị có chỉ bằng 1/10 giá trị căn nhà bây giờ anh chị đang sở hữu.
Sau khi mua được mảnh đất 700 triệu, anh chị vay thêm ngân hàng 400 triệu nữa để xây dựng ngôi nhà một tầng đang ở, bao gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, 1 bếp và 1 phòng tắm. Theo đó, anh chị lập một kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý để trả nợ dần. Thường anh chị ưu tiên trả các khoản nợ ngân hàng trước, đối với bạn bè, họ hàng, người thân, ai cần thì báo trước vài tháng để anh chị tích góp trả họ.
Cụ thể, anh Thắng cho biết kế hoạch chi tiêu của anh chị trong 5 năm vừa qua như sau: tiền ăn hàng tháng khoảng 3triệu/3người (khoảng 100.000 đồng/ngày) + tiền điện, nước, internet 500.000 đồng/tháng + tiền xăng xe, điện thoại 500.000 đồng/tháng + tiền học của con 700.000 đồng/tháng + tiền sữa, bỉm của con 1 triệu đồng/tháng. Đó là những khoản tiền cố định hàng tháng, ngoài ra có những tháng anh mất thêm tiền ma chay hiếu hỉ, thuốc men khi các thành viên trong gia đình ốm. Tính ra, trung bình một tháng anh chị chi tiêu khoảng 7 triệu đồng. 8 triệu còn lại anh chị tích lũy trả nợ.
Ngoài ra, vợ anh vốn có tài nấu nướng nên anh chị làm thêm chả cá, ruốc nấm, bán online kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng anh chị có thêm khoảng 3-5 triệu từ công việc làm thêm này. Cùng đó, các ngày lễ, cuối năm, anh cũng có thêm một khoản tiền từ quỹ thưởng của cơ quan. Tính ra, mỗi năm anh chị trả được khoảng 200 triệu tiền nợ. Sau 5 năm kiên trì thực hiện kế hoạch chi tiêu, anh chị đã sở hữu được ngôi nhà của riêng mình.
“Thu nhập hai vợ chồng 15 triệu/tháng vẫn có khả năng sở hữu được một ngôi nhà ở Hà Nội nếu biết cách chi tiêu hợp lý. Nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi là viên chức nhà nước, thu nhập hai vợ chồng chỉ từ 12 – 15 triệu đồng vẫn có thể mua được một căn chung cư tại khu vực cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 – 17 km. Họ vay họ hàng, bạn bè khoảng 30% giá trị căn hộ, 70% còn lại họ tận dụng gói vay 30.000 nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi 6% từ các ngân hàng. Tính ra mỗi tháng họ phải trả ngân hàng cả gốc và lãi khoảng 6 triệu đồng trong 15 - 20 năm, càng về sau khoản lãi phải trả sẽ nhỏ hơn do dư nợ ban đầu giảm. Tôi thấy mức trả vậy là rất hợp lý và trong khả năng thực hiện được đối với những người có mức thu nhập trung bình như tôi!”, anh Thắng chia sẻ.
Theo Hà Kiều /Dân Việt