Theo kết quả sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng và dầu diesel trong quý 3 năm 2022 giảm lần lượt 40% và 35% so với quý trước, với chỉ 19 trong tổng số 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu trong quý này.
Theo SSI Research, điều này có thể do tín dụng bị thắt chặt, giá dầu thế giới biến động mạnh, phụ phí nhập khẩu tăng và chi phí vận hành tăng đáng kể trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Những yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận và sức khỏe tài chính của các đầu mối, khiến họ phải giảm hàng tồn kho và giảm giá chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ, dẫn đến việc một số cửa hàng xăng dầu tư nhân ở một số tỉnh phía Nam phải tạm đóng cửa. (Lượng xăng dầu nhập khẩu thường chiếm khoảng 20-30% nhu cầu trong nước).
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã tăng mức phí premium trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu lên 350 đồng/lít đối với xăng và 40 đồng/lít đối với dầu diesel. Chi phí vận chuyển tiêu chuẩn từ các nhà máy lọc dầu trong cơ cấu giá cũng được điều chỉnh tăng 40-70 đồng trong kỳ điều chỉnh giá gần đây, nhằm điều chỉnh giá bán lẻ theo hướng tương quan chặt chẽ hơn với giá thị trường và chi phí kinh doanh thực tế.
Mặc dù những diễn biến bất ổn trên thị trường gần đây có thể gây áp lực lên lợi nhuận của Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL), nhưng SSI Research cho rằng đây cũng có thể là cơ hội để các công ty dẫn đầu thị trường nâng cao vị thế trong dài hạn, vì nhiều cửa hàng xăng dầu sẽ chuyển sang mua hàng từ các đầu mối lớn với đầu vào ổn định.
Theo Bộ Công Thương, lượng tồn kho tại một số nhà cung cấp chính như Petrolimex, PV Oil và Thanh Lễ vẫn được duy trì ở mức an toàn để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong thời gian tới, việc tăng phí premium và chi phí vận chuyển trong việc cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu có thể giúp lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu như Petrolimex và PV Oil trong quý 4 tăng so với quý 3. Ngoài ra, sự phục hồi gần đây của giá dầu thế giới cũng có thể giúp cho các công ty này về hưởng lợi về hàng tồn kho.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Petrolimex ghi nhận doanh thu bán hàng 152 ngàn tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá dầu tăng 64% và sản lượng bán nội địa tăng 9%.
Mặc dù vậy, do chi phí kinh doanh tăng mạnh cùng với dự phòng hàng tồn kho cuối kỳ 1,330 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 301 tỷ đồng, bằng 11% cùng kỳ 2021. Riêng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Petrolime lỗ trước thuế tới 595 tỷ đồng.
Đối với PV Oil, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 53.655 tỷ đồng, tăng vọt hơn gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng lên tới 633 tỷ đồng, gấp 1,7 lần. So với kế hoạch cả năm, PV Oil đã vượt 19% kế hoạch doanh thu và gần gấp 2 lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế của cả năm.
Minh An