Vương Kiện Lâm là anh cả trong một gia đình có 5 người con tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha của ông từng chiến đấu trong hàng ngũ cách mạng của Mao Trạch Đông. Có lẽ vì vậy mà dòng máu lính đã chảy trong người Vương Kiện Lâm từ rất sớm. 15 tuổi, ông ghi danh tham gia Quân đội giải phóng nhân dân.
Hơn 16 năm phục vụ trong quân ngũ, từ một người lính gác ngoài biên giới, Vương Kiện Lâm đã trở thành chỉ huy của cả một trung đoàn. Trong khoảng thời gian ấy, ông cũng tranh thủ đi học để có được một tấm bằng tại đại học Liêu Ninh. Thế nhưng, giấc mơ người lính của ông cũng chẳng thể trọn vẹn. Giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Vương Kiện Lâm là một trong hàng triệu người phải rời quân ngũ sau cuộc tinh giảm biên chế.
Năm 1986, sau khi rời bỏ màu áo lính, Vương Kiện Lâm chuyển sang làm quản trị văn phòng tại quận Tây Cương thuộc thành phố Đại Liên. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra công việc của một cán bộ Nhà nước không phù hợp với mình. 2 năm sau, ông bỏ công việc bàn giấy và nhanh chóng bắt đầu một vị trí mới tại một công ty bất động sản tư nhân tại Tây Cương.
Với tầm nhìn nhạy bén và kỷ luật “thép” trong công việc, Vương Kiện Lâm nhanh chóng được bổ nhiệm làm giám đốc doanh nghiệp vào năm 1990. Hai năm sau, tức năm 1992, ông nắm quyền kiểm soát công ty và đổi tên thành Đại Liên. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp trước đây làm ăn thua lỗ, ông Vương đã phải vay tới 80.000 USD để vực dậy công ty.
Làm giàu nhờ tốc độ
Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, phát triển một doanh nghiệp ở Trung Quốc chẳng phải điều dễ dàng. Khi nền kinh tế vẫn đi theo định hướng nhà nước, một doanh nghiệp gần như không thể tồn tại nếu không có quan hệ thân thiết với Chính phủ.
Thời gian đầu, khi Vạn Đạt còn non trẻ, Vương Kiện Lâm chỉ được giao một khu đất cũ nát, cơ sở hạ tầng yếu kém để làm dự án. Hơn 100 người dân sống trong khu vực đó chỉ có một cái vòi nước và một nhà vệ sinh để dùng chung. Các cộng sự đều phản đối Vương Kiện Lâm tham gia dự án này song ông vẫn quyết tâm làm đến cùng.
Vị giám đốc trẻ bắt tay vào tân trang khu dân cư, xây nhà có cửa sổ lớn, có thể đón ánh sáng tự nhiên. Đặc biệt, mỗi căn nhà đều có phòng vệ sinh riêng - một điều vô cùng xa xỉ vào thời bấy giờ. Sau khi cải tạo xong, các căn nhà được bán với giá 1.580 NDT/m² và đã bán hết chỉ trong vòng 1 tháng.
Vương Kiện Lâm qua đó đã kiếm được gần 10 triệu NDT (34,3 tỷ VND), đồng thời mở ra hình thức kinh doanh cực thịnh: cải tạo nhà cũ thành nhà mới.
|
Những hướng đi táo bạo ban đầu đã giúp Vương Kiện Lâm đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực bất động sản. |
Tuy nhiên, để có thể giành được quyền thi công các dự án lớn hơn, Vương Kiện Lâm phải thỏa thuận với chính quyền địa phương rằng sẽ hoàn thành nhanh gọn và chính xác. Nói được làm được, Đại Liên đã triển khai xây dựng và bàn giao công trình tại 2 thành phố Thành Đô và Trường Xuân (Tứ Xuyên) chỉ trong vòng trên dưới một năm. Từ đó, doanh nghiệp của Vương Kiện Lâm nhanh chóng lấy được lòng tin của nhân dân và sự tín nhiệm của chính quyền.
Năm 1990, Vương Kiện Lâm chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản thương mại. Thời gian đầu còn thiếu kinh nghiệm, ông bán hết toàn bộ các gian hàng tầng 1 ở khu thương mại và cho thuê kinh doanh ở các tầng trên. Kết quả là trong 3 năm đầu, các gian hàng kinh doanh không như ý muốn đã kiện Vương Kiện Lâm tới 222 lần. Lý do chỉ vì lợi nhuận mà họ thu được chỉ bằng 10-20% số tiền thuê gian hàng.
Để giải quyết tình trạng này, ông đã xây dựng một khu phức hợp bao gồm trung tâm thương mại, các cao ốc văn phòng, phố thương mại và chung cư. Nhờ số tiền bán cao ốc văn phòng và chung cư, Vương Kiện Lâm đã có dòng vốn dư dả, không còn phải cho thuê gian hàng mà có thể tự mình kinh doanh.
Ông chủ tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc
Dưới sự dẫn dắt của tỷ phú Vương Kiện Lâm, doanh nghiệp bất động sản nhanh chóng vượt ra ngoài những kỳ vọng ban đầu để trở thành một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Đến nay, Vạn Đạt là tập đoàn duy nhất tại đất nước tỷ dân sở hữu chuỗi giá trị bất động sản thương mại hoàn chỉnh với khu thương mại, nhà hàng, khách sạn và chung cư. Vạn Đạt hiện sở hữu một danh mục đầu tư thuộc hàng “khủng” với 133 trung tâm thương mại, 84 khách sạn với tổng diện tích sử dụng lên tới 26,32 triệu m2.
Năm 2012, Vạn Đạt gây chú ý khi mạnh tay bỏ ra tới 2,6 tỷ USD để mua lại cụm rạp lớn nhất thế giới AMC.
Không lâu sau, Vạn Đạt niêm yết trên sàn chứng khoán New York và liên tục thể hiện mức tăng trưởng tốt.
Tháng 9/2013, Vạn Đạt công bố kế hoạch xây dựng xưởng phim lớn nhất thế giới Oriental Movie Metropolis, gồm trường quay rộng 10.000 m2 và một sân khấu dưới nước.
Năm 2014, công ty tiếp tục khiến cả thế giới sửng sốt khi bỏ ra 495 triệu USD để mua lại công ty đóng tàu Sunseeker International của Anh, chỉ sau 2 năm dốc tỷ đô thâu tóm cụm rạp chiếu phim lớn nhất thế giới.
Không chỉ phát triển sự nghiệp trong nội địa, Vạn Đạt còn hiện thực hóa tham vọng vươn ra thế giới. Năm 2014, tập đoàn mua một miếng đất trên đồi Beverly, California - nơi nhiều người nổi tiếng và giàu có sinh sống để xây dựng trụ sở kinh doanh.
Trong cùng năm, ông Vương cũng mua lại công trình “Edificio Espana” ở Madrid, Tây Ban Nha và khởi công nhiều dự án xây dựng khách sạn tỷ đô ở London, New York và Ấn Độ.
Những khoản đầu tư mạnh tay của Vương Kiện Lâm nhanh chóng đem về trái ngọt. Sau khi lên sàn thành công cuối năm 2014 tại Hong Kong, khối tài sản của Vương Kiện Lâm đã nhanh chóng được đẩy lên 25 tỷ USD.
|
Năm 2016, Vương Kiện Lâm được Forbes bình chọn là người giàu nhất châu Á.
|
Năm 2016, Vương Kiện Lâm được Forbes bình chọn là người giàu nhất châu Á với 33 tỷ USD, vượt mặt hai tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) và Lý Gia Thành (Hong Kong).
Mất ngôi vương vì cáo buộc vi phạm luật đầu tư
Năm 2017 hẳn là một năm sóng gió với tỷ phú 64 tuổi Vương Kiện Lâm. Sau những bê bối liên quan tới thương vụ bán lại 76 khách sạn với 9,3 tỷ USD cho Sunac, ông bị chính quyền điều tra về các khoản đầu tư và cho vay tại nước ngoài.
Tập đoàn Vạn Đạt của ông được cho là có thể đã vi phạm các quy định về tài chính mà Bắc Kinh đưa ra năm 2016, nhằm kiểm soát dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc.
Sự kiện này đã khiến cổ phiếu của Vạn Đạt lao dốc. Vương Kiện Lâm từ người giàu nhất Trung Quốc lần lượt đã bị đẩy xuống thứ 2, rồi thứ 3. Theo Bloomberg, năm 2017, người giàu nhất Trung Quốc là Jack Ma với tài sản trị giá 43,2 tỷ USD, xếp sau là Mã Hóa Đằng ở vị trí thứ 2 với tài sản 30,7 tỷ USD và đứng thứ 3 là Vương Kiện Lâm với 30,5 tỷ USD.
Bất lực với quý tử ăn chơi
Tỷ phú 64 tuổi có một người con trai tên là Vương Tư Thông, sinh năm 1988. Với mong muốn đưa con trai trở thành người kế nhiệm của Vạn Đạt trong tương lai, Vương Kiện Lâm đã sớm cho Vương Tư Thông đi du học tại những ngôi trường tốt nhất thế giới từ thời tiểu học.
Thế nhưng, trái với những kỳ vọng của Chủ tịch Vạn Đạt, Vương Tư Thông dường như chẳng mấy mặn mà với việc học hành. Thay vào đó, quý tử họ Vương lại nổi tiếng vì thói ăn chơi trác táng, tiêu tiền “như rác” và những phát ngôn ngông cuồng trên mạng xã hội.
Hàng ngày, tin tức về Vương Tư Thông rải khắp các mặt báo trong và ngoài nước. Vị thiếu gia này từng "gây sốc" khi chi hơn 31.000 USD để tổ chức một buổi tiệc Halloween; bỏ ra 1,5 triệu USD chỉ để mời nhóm nhạc Nhật Bản AKB48 sang Trung Quốc mặc bộ đồng phục anh ta thiết kế và chụp hình cùng mình.
Một lần khác, Vương Tư Thông còn bao trọn Tam Á để tổ chức sinh nhật tuổi 27 và "tặng ngược" những món quà sinh nhật vô cùng đắt tiền cho những người đến tham dự.
Vương đại thiếu gia cũng từng không ngần ngại mua 2 chiếc đồng hồ thông minh Apple Watch làm "vòng đeo chân" cho chó cưng.
Ngoài ra, Vương Tư Thông có sở thích mãnh liệt với siêu xe và sở hữu nhiều chiếc xe đến từ các hãng danh tiếng như Bentley, Rolls Royce, Ferrari với giá hàng chục tỷ đồng mỗi chiếc. Nhiều người nhìn vào cuộc sống của vị thiếu gia mà ngán ngẩm.
Dù đã nhiều lần khuyên can, dường như vị tỷ phú hàng đầu Trung Quốc cũng phải bất lực trước độ ăn chơi của quý tử độc nhất trong gia đình.
Theo Giang Hạ/Zing News