Tới thăm vườn lan rừng của gia đình chị Hà Thị Ngọc, dân tộc Thái, ở bản Nà Cài, xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng nghìn giò lan được treo lủng lẳng trên giàn. Giò nào giò nấy được treo thẳng tắp theo hàng theo lối trông như một rừng lan thu nhỏ. Trong số đó, nhiều nhất phải kể đến lan phi điệp tím, hạc vỹ, đùi gà, hoàng thảo vôi, đuôi chồn, giáng hương tam bảo sắc…
|
Chị Ngọc (phải) đưa khách hàng tham quan vườn lan rừng tiền tỷ của mình. |
Niềm nở đưa chúng tôi đi thăm vườn lan rừng, chị Ngọc bộc bạch: 2 vợ chồng tôi đều đam mê lan rừng từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường và giảng đường đại học. Với tình yêu lan rừng mãnh liệt đó, năm 2009, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Tây Bắc, vợ chồng tôi gác lại giấc mơ làm giáo viên để theo đuổi niềm đam mê trồng lan.
"Sau 16 năm ăn học đến khi ra trường lại chọn trồng lan, bởi vậy bố mẹ cũng nhiều lần ngăn cấm. Nhưng vì quá say mê lan rừng nên vợ chồng tôi vẫn quyết tâm làm theo những gì con tim mách bảo. Đầu những năm 2010, vợ chồng tôi cùng người dân vào rừng tìm lan mất từ 3 – 4 ngày ăn rừng, ngủ rừng mới về đến nhà. Có những buổi đi lạc vào rừng sâu, hết thức ăn phải nhịn đói cả ngày trời", chị Ngọc kể.
|
Theo chị Ngọc, mùa Xuân là thời điểm thích hợp để tách, ghép, nuôi trồng lan. |
Trò chuyện thêm với chị Ngọc, chúng tôi được biết, ban đầu, do thiếu vốn và kinh nghiệm nên gia đình chị Ngọc chỉ trồng hơn 10 giò lan với diện tích vỏn vẹn vài mét vuông. Năm này qua năm khác, số lượng lan rừng của chị Ngọc tăng dân lên. Năm 2016, chị Ngọc mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu để đầu tư giàn, lưới, hệ thống tưới phun tự động và sưu tầm thêm những giống lan bản địa quý hiếm để bảo tồn và nhân giống.
Đến nay, sau 11 năm gắn bó với lan rừng, thành quả vợ chồng chị Ngọc có được là trên 6.000 giò lan các loại và diện tích lên đến 2.000m2. Hiện, chị Ngọc đang sở hữu nhiều loại lan quý hiếm, như: Đuôi cáo, đuôi chồn, hạc vĩ, giáng hương tam bảo sắc, đùi gà, ý ngọc, ngọc thạch, phi điệp, hoàng thảo vôi… Từ tháng 3 đến tháng 5, hàng nghìn giò lan nhà chị Ngọc thi nhau bung sắc, toả hương ngào ngạt khắp bản làng.
|
Thành quả sau 11 năm của chị Ngọc là hàng nghìn giò phong lan được treo lủng lẳng khắp vườn. |
Chia sẻ với chúng tôi về kỹ thuật trồng lan rừng, chị Ngọc cho biết: Theo kinh nghiệm của tôi, để trồng lan rừng thành công, phải nắm được đặc tính của từng loại lan. Từ đó, đảm bảo môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, độ cao, đất, nước… sao cho phù hợp từng loài. Đồng thời cung cấp đầy đủ nước, phân bón cho lan.
"Lan rừng thường bị bệnh thối nhũn, bệnh vàng lá… Để phòng trừ được loại bệnh này, chúng tôi dùng lá đủ đủ đun với nước khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ, sau đó để nguội và phun trực tiếp lên vườn lan. Ngoài ra, vợ chồng tôi phải thức hàng đêm dài để bắt các loại côn trùng gây hại cho lan. Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội Facebook, tôi tham gia các nhóm trồng phong lan để có thêm kinh nghiệm trong nhân giống, phòng trừ sâu bệnh cho lan", chị Ngọc tiết lộ.
Để sản phẩm lan rừng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, chị Ngọc tận dụng mạng xã hội Facebook để quảng bá, giới thiệu. Nhờ đó, vườn lan của chị Ngọc càng ngày càng được nhiều khách hàng biết đến và tìm mua.
|
Vườn lan rừng của chị Ngọc được che chắn cẩn thận và có hệ thống tưới phun sương tự động. |
Hàng nghìn giò lan nhà chị Ngọc có giá dao động từ 300 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/giò. Đặc biệt, đối với những giò lan quý hiếm, đột biến có giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/chậu. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Ngọc xuất bán ra thị trường khoảng trên 1.000 giò lan rừng, thu về trên 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, chị Ngọc bỏ túi 300 triệu đồng.
|
Từ trồng lan rừng, cuộc sống gia đình chị Ngọc đã bước sang một trang mới. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Lường Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Ly, cho biết: Chị Ngọc là hội viên năng động, cần cù, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của hội. Không những vậy, chị Ngọc còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Chị là tấm gương điển hình để các hội viên khác học tập và làm theo.
Theo Dân Việt