Đâu đó, bên cạnh những tâm trạng hồ hởi vì cổ tức năm nay khá “xông xênh”, còn khá nhiều cổ đông phải ngậm ngùi vì nhiều năm chưa được chia cổ tức.
|
Nhiều ngân hàng tiếp tục "khất" cổ tức sau nhiều năm. Ảnh: IT. |
Theo khảo sát của Dân Việt, có những doanh nghiệp một năm trả cổ tức đến 2 - 3 lần, khiến nhà đầu tư càng thêm hồ hởi, nhưng cũng có doanh nghiệp cổ tức từ năm 2010 đến nay vẫn còn nợ, đặc biệt là ở khối ngân hàng thuộc diện buộc phải tái cơ cấu.
Xông xênh đến bất ngờ
Nằm trong nhóm các doanh nghiệp chia cổ tức cao từ trước tới nay là Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco - MAS). Ngày 11.5 tới, MAS sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền tỷ lệ 37,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 3.750 đồng; thời gian thanh toán 25.5.2018. Trước đó, đầu tháng 9.2017, MAS đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 tỷ lệ 40% bằng tiền mặt cho cổ đông (1 cổ phiếu nhận 4.000 đồng).
Như vậy, tính cả lần này cổ đông công ty được nhận tổng cộng 77,5% cổ tức bằng tiền cho năm 2017. Đây cũng là doanh nghiệp gây ấn tượng mạnh với nhà đầu tư khi liên tục chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 100% suốt nhiều năm (2014 - 2016).
“Xông xênh” hơn, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS - mã chứng khoán NCT) cũng quyết định chia cổ tức năm 2017 tỷ lệ 90% (1 cổ phiếu nhận 9.000 đồng). Trong đó, công ty đã chi tạm ứng cổ tức đợt 1 vào tháng 9.2017 tỷ lệ 40%. Ngày 31.5 tới, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để chia 50% cổ tức còn lại bằng tiền mặt, ước tính tổng số tiền chi trả cổ tức lần này là hơn 130,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bất ngờ nhất và “khủng” nhất mùa đại hội năm nay có lẽ là mức chia cổ tức của Công ty CP Vimeco (mã chứng khoán VMC). Ngày 21.5 tới đây, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 10.000 đồng; thời gian thanh toán 9.7.2018. Đáng lưu ý, trước đó cuối tháng 2.2018, VMC đã chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 bằng tiền tỷ lệ 100%.
Như vậy chỉ trong vòng hơn 2 tháng Vimeco đã trả cổ tức tổng tỷ lệ 200% cho cổ đông (1 cổ phiếu nhận 20.000 đồng). Niềm vui này khiến cổ đông càng thêm hoan hỉ bởi trước đó theo kế hoạch thì tỷ lệ cổ tức của doanh nghiệp này chỉ là 100%.
Một loạt doanh nghiệp khác cũng chia cổ tức khá cao cho cổ đông, chẳng hạn như: Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) chia cổ tức 55%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới); tương tự, Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS - SGN) chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 3.000 đồng), thời gian thanh toán 5.6.2018. Hoặc, Công ty CP CMC (CVT) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2017 bằng tiền và cổ phiếu với tỷ lệ 45%, trong đó 15% bằng tiền và 30% bằng cổ phiếu...
Còn tại Công ty CP FPT (HoSE: FPT), phương án chi trả cổ tức còn lại năm 2017 gồm: Bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (tương đương 1.500 đồng/CP), thời gian thanh toán tại ngày 8/6.2018. Đồng thời, HĐQT cũng thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Theo đó, công ty dự kiến phát hành hơn 80 triệu cổ phiếu (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được quyền chia thêm 3 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 6.2018.
Và chuyện cổ tức... lỗi hẹn
Nếu chuyện cổ tức khiến cổ đông nhiều doanh nghiệp sản xuất, bất động sản, hàng không... vui mừng thì câu chuyện cổ tức tại các ngân hàng, nhất là các ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh càng thêm cám cảnh.
Chẳng hạn, tại Techcombank, dù đạt lợi nhuận khủng hơn 9.000 tỷ đồng nhưng Techcombank quyết định tiếp tục duy trì chính sách không chia cổ tức năm nay. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp nhà băng này không chia cổ tức vì nguyên nhân “một người vì mọi người”: Để dành nguồn lực cho việc tăng quy mô vốn, phục vụ cho chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh và cải thiện các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính.
Tình hình này càng thêm ảm đạm tại các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu như Sacombank và Eximbank. Tại Sacombank, việc không chia cổ tức được xem là điều tất yếu. Còn nhớ, tại đại hội cổ đông của Sacombank mới đây, ông Dương Công Minh khi được cổ đông hỏi sao nhiều năm không chia cổ tức thì ông này trả lời nếu không “hài lòng” với cổ phiếu Sacombank thì có thể... bán. Tuy nhiên, khi gặp phản ứng của cổ đông thì ông Minh cho biết sẽ xin NHNN cho chỉnh sửa đề án tái cơ cấu để cuối năm nay (2018) hoặc chậm nhất 2019 sẽ trích lợi nhuận có được để trả cổ tức cho cổ đông.
Còn với Eximbank, dù năm 2017 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng nhưng theo ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, do phải xử lý hết các khoản lỗ lũy kế từ các năm trước, lợi nhuận không còn nhiều nên không chia cổ tức. Cũng theo ông Quyết, theo đề án tái cơ cấu của Eximbank, phải đến cuối năm 2019 ngân hàng mới xử lý xong các khoản nợ đã bán qua VAMC, khi đó, Ngân hàng mới tính đến chia lợi tức được bền vững...
Theo Quốc Hải/Dân Việt