Đang uống cafe hoặc làm bất cứ việc gì, nông dân vẫn có thể theo dõi, tưới nước, bón phân cho vườn cây hay cho cho tôm, cá ăn.
Tưới cây bằng tin nhắn
Năm 2019, HTX Mường Động (Hòa Bình) lắp đặt hệ thống IoT điều khiển tưới nước, bón phân tự động theo thời gian, độ ẩm của đất...hoặc có thể điều khiển từ xa trên điện thoại thông minh. Từ đây, việc bơm nước từ hồ lên bể chứa hoàn toàn tự động, được gắn các bép tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây.
Ông Nguyễn Ngọc Văn, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, chủ nhiệm đề tài lắp đặt hệ thống IoT cho HTX Mường Động cho biết, việc làm hệ thống kênh, mương trên các triền đồi dốc rất khó khăn, tốn kém. Nhưng đây lại chính là lợi thế của IoT. Theo đó, chỉ cần lắp hệ thống tưới cây, cài đặt phần mềm điều khiển bằng điện thoại thì dù ở bất cứ đâu, đang làm gì, chỉ cần kết nối Internet là có thể tưới nước được cho cả vườn cây rộng lớn.
“Khi muốn tưới cây, người dùng chỉ cần soạn tin nhắn trên điện thoại và gửi đến số được tích hợp ở trung tâm. Sau khi nhận được tin nhắn, trung tâm Smart Control GSM sẽ cấp điện cho máy bơm (điều khiển máy bơm nước từ xa), từ đó máy bơm được kích hoạt, tưới cho khu vườn. Đồng thời điện thoại cũng sẽ nhận được tin nhắn phản hồi hệ thống đã bật”, ông Văn giải thích.
Theo ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX Mường Động, từ khi sử dụng bộ điều khiển tưới nước bằng điện thoại, việc tưới cây trở nên đơn giản và tiện lợi. Dù người sử dụng đang đi làm, đi công tác xa nhà, đang ngồi cà phê với bạn bè… thì vẫn có thể bật/tắt hệ thống để tưới nước cho khu vườn. Ngoài ra, người sử dụng cũng có thể hẹn giờ để tưới cho khu vườn của mình vào bất cứ thời gian nào.
Nuôi tôm bằng smart phone
Cũng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao là trang trại nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam tại xã Liêu Tú, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp có diện tích khoảng 150ha, trong đó có 238 ao nuôi tôm được áp dụng theo quy trình công nghệ hiện đại…Ao nuôi tôm ở đây được thiết kế nổi với ưu điểm đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng, hạn chế rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Doanh nghiệp cũng phải vệ sinh bạt đáy sau mỗi vụ nuôi thả, đều đặn ngày 3 lần kiểm tra chất lượng nước và lượng thức ăn tồn dư để điều chỉnh cho phù hợp.
Để giải phóng nhân công và tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp dùng hệ thống điều khiển từ xa thông qua smartphone hoặc remote có kết nối Internet để theo dõi, chăm sóc, quản lý ao tôm. Việc làm này giúp doanh nghiệp cho tôm, cá ăn đúng liều lượng, đảm bảo chất lượng nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, hạn chế tôm, cá chết.
“Nuôi tôm công nghệ cao tuy chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng vật tư có thể sử dụng lâu dài, chống nóng, chống lạnh cho tôm, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ, sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ao nuôi tôm không bị phân tầng nước vào những ngày mưa lớn, vì vậy sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm. Nếu nuôi theo phương thức truyền thống thì một năm chỉ được 2 vụ, còn nuôi tôm công nghệ cao được 3 vụ/năm, năng suất cao hơn nhiều, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt hơn 90%”, ông Phục nói.
Với việc áp dụng công nghệ hiện đại vào nuôi và chế biến tôm, Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Hiện nay, công ty đã xuất khẩu sản phẩm tôm qua các thị trường lớn, gồm: EU, Nhật, Mỹ, Canada…
“Năm 2021, công ty tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 126 triệu USD, tổng doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra năm 2022 là khoảng 4.000 - 5.000 tấn tôm chế biến, dự kiến tổng doanh thu đạt từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 25- 35%...”, ông Phục tin tưởng.
Theo nhiều doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp họ tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực, tạo đà vượt qua khó khăn giữa tác động của COVID-19, lạm phát và sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường.
Theo PHẠM DUY/VTC