Từ duyên thành đam mê
Đại gia Nguyễn Đình Tuấn có nhà ở trong khu đô thị, trên một tuyến đường đẹp nhất tại H.Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - vốn nổi tiếng với các loại đặc sản trái cây quít Tiều. Căn nhà của vị đại gia này được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, căn nhà chia 3 gian xây tường lợp ngói, khuôn viên bao bọc các cây kiểng rất đắt tiền. Thế nhưng, có một điều đại gia Tuấn vẫn hằng mong mỏi là làm sao để khỏi bị đánh đồng là “trọc phú”, “có tiền mà không có não”.
Suy nghĩ mãi, đại gia Tuấn nhận ra một thú chơi không phải ai cũng có thể theo được, ấy là thú chơi cổ vật. Ông nổi lên trong giới chơi cổ vật với phong cách: mua những món đồ nổi tiếng nhất, đắt nhất mà nhiều người ham mê cổ vật khác không dám mua. Để tiện cho việc chơi, đại gia nhờ một tay cò giỏi nghề, chuyên săn cổ vật để giới thiệu, tư vấn và mua đồ, trả lương cao, mua được đồ “xịn” có tiền thưởng riêng. Vậy là hàng ngày, ngoài việc kinh doanh đất, đại gia Tuấn chỉ đi ngao du khắp nơi xem cổ vật, chơi cổ vật.
|
Ông Tuấn ngồi trên chiếc giường độc hơn chiếc giường của Công tử Bạc Liêu - Ảnh: Tô Văn |
Lâu dần, ông thành ra đam mê cái thú này. Hay tin nơi nào có đồ cổ độc, đại gia Tuấn xuất hiện không quản ngại xa xôi cách trở địa lý. Vì thế, rất nhiều các loại đồ cổ mà đại gia Tuấn cất công sưu tầm, được ông đem trưng bày tại nhà riêng của mình một cách hoành tráng.
Ông Tuấn tâm sự: “Sở dĩ phải thuê thêm người trung gian đi xem đồ, tìm đồ giúp là rút kinh nghiệm của một số người đi trước, vì giấu dốt, tham rẻ nên nhiều phen phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhờ thế mà sưu tập chỉ mới hơn chục năm nhưng tôi đã mua được nhiều đồ quý có “danh” từ những gia đình chơi cổ vật lâu năm, tưởng không bao giờ bán, sưu tầm được”.
Cũng theo ông Tuấn: “Trong giới cổ vật, có thể tôi “nổi trội” vì sở hữu những món đồ đắt tiền vượt cao giá thị trường mà dân chơi cổ vật lâu năm còn phải e dè”. Ông Tuấn còn đang ấp ủ kế hoạch làm một bộ phim ngắn nói về lịch sử các cổ vật của mình. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị nhiều bạn bè cho là “làm quá” nên ông Tuấn ngưng.
Tính đến thời điểm này, tại căn nhà của mình, ông Tuấn đã có hơn 1.000 cổ vật và kỷ vật thuộc hơn 10 bộ sưu tập khác nhau, trong đó có những cổ vật quý từ thế kỷ 18, 19 đến những kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Cầm từng món, ông Tuấn say mê giới thiệu: “Từ năm 1997, tôi chỉ sưu tập một số món đồ đơn giản như chén, dĩa, tấm liễn, giường Lu-I (giường mang vẻ giường Tây- PV)... Mấy món này tôi đổi người dân bằng điện thoại di động. Về sau, càng tìm hiểu càng đam mê, tôi rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố cả nước, hơn nữa cơ duyên đến nên tôi sưu tập được các món cổ vật qua các thời kỳ nhưng phải trả bằng tiền hoặc vàng”.
Tích tiểu thành đại, số lượng đồ cổ mà ông Tuấn sưu tầm ngày càng tăng với hàng trăm mẫu vật tương ứng với các giai đoạn lịch sử. Phần lớn những mẫu vật được ông săn lùng từ nhiều nguồn, có khi từ những người sưu tầm đồ cổ khác hoặc từ những người thu mua phế liệu, ve chai.
“Sưu tầm đồ cổ là một thú chơi tao nhã, vừa hiểu biết hơn về lịch sử dân tộc, vừa là sự tri ân, tưởng nhớ những thế hệ đi trước”, vừa nói, ông Tuấn vừa chỉnh lại cái đồng hồ cổ có tuổi thọ hơn 150 năm xuất xứ từ Pháp. Chờ khoảng 10 phút, đồng hồ bước sang 12 giờ với 12 tiếng gõ chuông binh boong, binh boong. Thật kinh ngạc, trải qua một khoảng thời gian dài, chiếc đồng hồ vẫn hoạt động tốt, tiếng chuông vang ngân đến lạ thường...
Chiếc giường độc lạ hơn cả giường của Hắc công tử
Nói đến món cổ vật độc nhất được chế tác tinh xảo, thì chính là chiếc giường được khảm bằng ốc xà cừ, nét chạm khắc thượng thừa. Nói nôm na, có thể đẹp hơn cả chiếc giường của Công tử Bạc Liêu (Hắc Công tử) được trưng bày tại TP.Bạc Liêu, trị giá khoảng 3 tỉ đồng.
“Chiếc giường này tôi mua tại Tây Ninh, thông qua một tay cò thân tín. Tôi phải trả cho tay cò này hết 50 triệu đồng. Chiếc giường này thuộc loại gỗ đỏ. Người trọng lượng cả tạ trèo lên thanh giường không hề hấn. Nếu giường đặt, cẩn thì không sao, còn giường bình thường là sập”, ông Tuấn thông tin.
Ông Tuấn kể tiếp: “Nhớ thời gian trước, qua sự giới thiệu thì tôi biết chủ nhân của chiếc giường này sở hữu đến một cặp. Nghe tin tôi bèn bán 5 miếng đất rồi cầm tiền vọt lên Tây Ninh. Khi đến nơi, thì tôi thấy một người khác lại chồng tiền mua chiếc giường thứ nhất (nhỏ hơn, không đẹp hơn chiếc giường đại gia Tuấn sở hữu-PV) với giá 1,7 tỉ đồng.
Riêng chiếc giường thứ hai có chiều dài 2,5 mét, được cẩn xà cừ, ốc 7 màu, đá lót 8 miếng cẩm thạch của Pháp, chủ nhà chưa bán. Thấy vậy, tôi liền hỏi giá rồi chớp thời cơ, tôi chồng 1,8 tỉ đồng cho chủ nhà và trả công cho tay cò mới sở hữu được nó. Bữa đó, không hiểu sao, khi tôi nghe hỏi, chủ nhà ra giá rồi bán chiếc giường cho tôi luôn. Mà nói chú nghe, ông chủ 2 chiếc giường này, ông nội của ổng là bá hộ ngày xưa. Trong nhà còn nhiều món độc lắm”, ông Tuấn nhớ lại.
Ngoài chiếc giường độc đáo, ông Tuấn còn sở hữu 3 tủ thờ thể hiện văn hóa của ba miền Bắc - Trung - Nam cũng được đặt ở chính giữa gian nhà. Những cổ vật mà ông Tuấn sưu tầm được có những cái có giá trị đến hàng chục tỉ đồng nhưng vị này không bán mà nâng niu, cất giữ cẩn thận. Bởi như ông bà xưa có nói: “Không phải ai cũng gặp được những món đồ này. Gặp và sở hữu, đó là cái duyên. Mình không biết giữ gìn thì nó chẳng bao giờ đến với mình nữa”.
Mơ ước của ông Tuấn là sưu tập thật nhiều đồ cổ, đủ sức mở một quán cà phê để trở thành điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu một phần lịch sử dân tộc. Hiện, ông phải cho vợ nghỉ làm ở nhà để chăm lo cho cổ vật, cùng đứa cháu gái đã được huấn luyện kỹ, hàng ngày chỉ ngồi lau dọn đống đồ sao cho không bị thời tiết làm hư hỏng. Hàng ngày, ông Tuấn đi lại, kiểm tra hệ thống camera an ninh và dặn dò đứa cháu trông nhà cho kỹ. Còn đồ cổ thì tất nhiên, chỉ có một mình ông mới được sờ vào…
Theo Tô Văn/ Motthegioi