Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản xử lý sau Thanh tra về các dự án sai phạm của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội, ngày 20/1/2020, ông Lê Văn Cường - Tổng Giám đốc Công ty Lã Vọng đã có thông cáo báo chí phản pháo vì cho rằng, có những thông tin ngoài luồng không đúng sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ông Cường cho rằng, dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi, giải trí bán đảo hồ Đống Đa có chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hà Thủy. Lã Vọng chỉ là đơn vị thuê lại mặt bằng kinh doanh và đã chấm dứt hợp đồng thuê từ năm 2016, không còn liên quan đến dự án. Việc này đã được xác nhận tại kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tại dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, ông Cường cho biết đã tài trợ 30 tỷ đồng cải tạo hồ bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, nhưng lại có một số thông tin phản ánh dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước không đúng với nội dung được nêu tại kết luận của Thanh tra Chính phủ.
|
Dự án Khu đô thị Ngôi nhà mới là một trong những dự án mà Lã Vọng làm chủ đầu tư. Ảnh: NĐT. |
Ở dự án Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), lãnh đạo Lã Vọng cho biết tài trợ kinh phí để làm đường có diện tích 0,67ha kết nối giao thông dân cư hiện hữu trong khu quy hoạch được duyệt. Sau khi hoàn thành con đường, doanh nghiệp bàn giao cho UBND TP Hà Nội quản lý, sử dụng.
Trong khi đó, đối với thông tin Công Lã Vọng bị đề nghị truy thu hơn 100 tỷ đồng tại dự án cải tạo xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, theo hình thức BT, ông Cường giải thích, để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng cho Nhà nước trong việc thực hiện dự án và lợi ích của hơn 70 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi công tác giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp và UBND quận Long Biên đã phối hợp đề xuất UBND TP Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh dự án theo hướng không phải di dời giải phóng mặt bằng các hộ dân... tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước.
Tại dự án đầu tư xây dựng dự án bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh tại các ô đất DX và CX khu Đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) có các công trình dịch vụ công cộng mang tính chất kinh doanh và hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe. Dự án này có 3 chức năng: dịch vụ, bãi đỗ xe, cây xanh.
Dự án Khu đô thị Ngôi nhà mới tại thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), thành phố Hà Nội, lãnh đạo Công ty Lã Vọng cho biết, đây là dự án phát triển khu đô thị mới. Tại thời điểm năm 2006-2008, cả nước cũng như tỉnh Hà Tây cũ đều áp dụng quy định của Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 5/1/2006 của Chính phủ về ban hành quy chế khu đô thị mới để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chỉ định nhà đầu tư thông qua thẩm định dự án. Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới đã đề xuất dự án, UBND tỉnh Hà Tây đã thẩm định dự án và giao cho công ty thực hiện theo quy định của Nghị định 02/2006/NĐ-CP.
Như vậy, tại thời điểm đó, cả nước đều áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định của Nghị định 02/2006/NĐ-CP. Việc một số thông tin phản ánh Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới được ưu ái chỉ định nhà đầu tư là không đúng sự thật.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức hợp đồng BT do Công ty cổ phần Đầu tư Louis Group là nhà đầu tư lập đề xuất thực hiện, trong đó Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới chỉ góp vốn 30%. Hiện tại, dự án chưa tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất thanh toán của dự án vẫn do UBND thành phố quản lý, sử dụng. Như vậy, các thông tin nêu dự án được giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Louis Group là không đúng ảnh hưởng đến uy tín của UBND thành phố cũng như các nhà đầu tư.
Ông Lê Văn Cường cho rằng, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng là Công ty chỉ là nhà đầu tư của duy nhất một dự án tại Hà Nội và không tham gia góp vốn, không hợp tác đầu tư bất kỳ dự án nào khác tại Hà Nội. Tập đoàn Lã Vọng theo cách gọi của dư luận là đơn vị mới được thành lập năm 2016 chưa tham gia một dự án nào tại Hà Nội hoặc góp vốn hoặc hợp tác đầu tư một dự án nào tại Hà Nội. Thương hiệu Lã Vọng chỉ là một thương hiệu của nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Tuy nhiên, sau những phản pháo của vị Tổng Giám đốc Công ty Lã Vọng Lê Văn Cường, đặc biệt là thông tin Cường nói Lã Vọng "chỉ đầu tư 1 dự án ở Hà Nội” đã dư luận đã đặt câu hỏi: Vấn đề sự thật là gì, có phải Lã Vọng đang cố “bao biện” cho những sai phạm chồng chất trước những kết luận mà Thanh tra Chính phủ đưa ra?
Theo tìm hiểu của PV, Lã Vọng Group có vốn điều lệ 500 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập, trong đó ông Lê Văn Vọng nắm giữ 60% cổ phần Tập đoàn này. Tuy nhiên, tháng 3/2018, sau khi thoái hết vốn ở Tập đoàn Lã Vọng, ông Lê Văn Vọng bất ngờ sáng lập ra Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (V.F.I Group), vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Ông Vọng cũng là người đại diện pháp luật cho Công ty này.
|
Ông Lê Văn Vọng (giữa). |
Khi mới thành lập, VFI Group đăng kí địa chỉ trụ sở chính tại Số 3, ngách 25/3 đường Ngọc Thụy, Phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội). Sau một thời gian ngắn hoạt động, VFI Group đã thay đổi trụ sở chính về địa chỉ tại Sàn 5B, tầng 5, tòa nhà 25T2, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
Ngoài ông Vọng, thì VFI Group còn có 2 cổ đông sáng lập khác là ông Vũ Văn Thái và Hà Chí Luyện (đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tuy nhiên, vốn góp thì ông Vọng lại là người góp nhiều nhất là 199,98 tỷ đồng chiếm 99,996% cổ phần, còn ông Thái và ông Luyện mỗi người góp 10 triệu đồng, chiếm mỗi người 0,002% cổ phần.
Khánh Hoài (Tổng hợp)