Vụ Khaisilk: Hội Bảo vệ NTD và Cục QLTT đang làm gì?

Google News

Câu hỏi đặt ra sau vụ Khaisilk chính là vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở đâu và Cục Quản lý thị trường liệu có “nhắm” mắt cho những sai phạm? 

Từ đó là những dấu hỏi về giá trị thực sự của hai lực lượng này khi mà ngoài lụa giả, người tiêu dùng Việt còn đối mặt với thực phẩm giả, thuốc giả… Ngày 1.11.2017, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận: “Chất lượng quản lý thị trường còn yếu kém”. 
Vai trò Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng khi cần thì… mất hút!
Khi “vụ bê bối Khaisilk” bị vỡ lở, nhiều ý kiến phản ứng cho rằng, vai trò của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng quá mờ nhạt. Tại sao một vụ việc gian dối và kéo dài hàng chục năm mà Hội không phát hiện ra. Có cần thiết phải duy trì hội không, khi rõ ràng đang tồn tại một cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng vẫn bị lừa dối, không được bảo vệ?
Vu Khaisilk: Hoi Bao ve NTD va Cuc QLTT dang lam gi?
 Cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai đóng cửa sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra ngày 26.10.2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, do thiếu kinh phí, nên các hoạt động bề nổi như hội thảo, tổ chức sự kiện hội không có điều kiện để tổ chức. Còn các hoạt động khác như tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tham dự, tham luận tại các hội nghị, hội thảo thì vẫn diễn ra bình thường.
“Ngay khi vụ việc được phanh phui, Hội đã lên tiếng trên đài truyền hình và nhiều báo chí, đồng thời qua đó, hướng dẫn người tiêu dùng phương thức giải quyết để được bồi thường thiệt hại. Hội sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu, theo đúng chức năng, nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội theo quy định của pháp luật” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Vu Khaisilk: Hoi Bao ve NTD va Cuc QLTT dang lam gi?-Hinh-2
Chiều 31.10, lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra cửa hàng của Khaisilk tại TPHCM. Ảnh: T.L 
Quản lý thị trường đánh trống bỏ dùi
Điều ngạc nhiên là tại sao một vụ việc như thế, tồn tại hàng chục năm lại “qua mặt” được lực lượng quản lý thị trường?
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó ban Phòng, Chống buôn lậu TP.Hà Nội - cho rằng: “Ở đây có sự “bảo kê”, không có lý gì tình trạng này xảy ra 30 năm nay mà quản lý thị trường lại không biết”.
Nói về kết luận của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) sau khi kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (Hà Nội), rằng do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20.10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc “Made in China” sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, điều này cho thấy, có một thực tế tiền hậu bất nhất trong câu chuyện bê bối này.
“Đây là một báo cáo không thể chấp nhận được, cái mấu chốt nhất là tuyên bố của ông Hoàng Khải thì lại không đưa vào để đến mức dư luận đặt câu hỏi, có vấn đề gì khuất tất ở đây không? Ở đây có các phát ngôn, thứ nhất, ông Hoàng Khải thừa nhận 30 năm qua bán hàng hơn 50% là hàng Trung Quốc, thứ hai là phát ngôn của chi cục QLTT. Theo quan điểm của tôi, chúng ta phải bám vào phát biểu của ông Hoàng Khải là chính” - ông Phú khẳng định.
Câu chuyện này cũng đặt ra vấn đề, có sự buông lỏng quản lý. Công an kinh tế, đội quản lý thị trường ở đâu, trong khi thương hiệu Khải Silk là một thương hiệu có địa bàn lớn mà lại không phát hiện ra, chỉ khi chính khách hàng phát hiện thì câu chuyện mới vỡ lở?
Nguyên Phó ban Phòng, Chống buôn lậu TP.Hà Nội khẳng định: “Tôi cho rằng, Bộ Công Thương nên có quy định về nhãn hàng hóa cụ thể hơn, bởi hiện người tiêu dùng như đi trong ma trận hàng hóa, không biết đâu là hàng Việt Nam, Thái Lan hay Nhật Bản…”.
Trong khi đó, ông Chu Xuân Kiên - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - lại khẳng định: “Chúng tôi đã làm đúng quy định. Chi cục QLTT và PC46 đã làm việc với nhau và đi đến thống nhất thì đây là việc của chúng tôi”. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Báo cáo này chỉ ghi nhận những khai báo, những giải trình chứ chưa thể hiện được kết quả của việc điều tra, xác minh. Chính vì thế, nếu chúng ta có nghi ngờ thì cần điều tra, xác minh lại thông qua khách hàng, chủ cửa hàng thì sẽ làm rõ được nhiều vấn đề. Trong câu chuyện này, Chi cục QLTT đương nhiên phải có trách nhiệm khi không phát hiện ra sai phạm của Khaisilk trong suốt nhiều năm, mà phải đến khi khách hàng phát hiện thì mới vào cuộc kiểm tra”.
Ông Nhưỡng nói thêm, để đơn vị gian dối trong một thời gian dài mà không phát hiện ra là do Chi cục QLTT chưa sâu sát thị trường, trách nhiệm của đơn vị này thể hiện ở đây chưa cao; thứ hai là phải xem trong chi cục này có trường hợp nào, cá nhân nào bao che hoặc thông đồng cùng với cơ sở này hay không. Trong khi công luận đặt ra câu hỏi thì chúng ta phải làm rõ để dọn đường công luận.
Ngày 1.11.2017, phát biểu giải trình tại phiên thảo luận Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc lại phản ánh của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về tình trạng buôn lậu thuốc lá rằng, “có nhiều thời gian không có bóng của lực lượng chuyên ngành là thực tế”. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói thẳng: “Hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu, có sự đứt khúc trong phối hợp khi quản lý thị trường hoạt động tại địa phương nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao. Chất lượng chuyên môn, phẩm chất của lực lượng chuyên ngành, quản lý thị trường là yếu kém tồn tại qua nhiều giai đoạn”.
Từ vụ Khaisilk, cần nhìn rộng ra để làm rõ trách nhiệm của cả Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng lẫn cục, chi cục quản lý thị trường, bởi nếu hai lực lượng này làm hết trách nhiệm thì không có hiện tượng khăn giả, thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng tràn lan khiến người tiêu dùng bức xúc như hiện nay.
Theo Nhóm phóng viên/Lao động