Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của VPBank công bố mới đây cho thấy ngân hàng này tiếp tục có thêm một quý kinh doanh hiệu quả khi hầu hết chỉ tiêu tài chính đều tăng trưởng cao.
Riêng quý II năm nay, VPBank đạt tổng cộng 12.047 tỷ đồng doanh thu, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này tương đương mức tăng ròng gần 3.100 tỷ đồng ở chỉ tiêu doanh thu trong quý của ngân hàng.
Trong đó, tăng trưởng chính vẫn đến từ hoạt động cho vay, với số thu nhập lãi tuần đạt 9.232 tỷ, tăng 20% và đóng góp một nửa vào mức tăng chung của doanh thu.
Các hoạt động đều tăng trưởng cao
Ngoài ra, các hoạt động khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư… đều ghi nhận tăng trưởng cao trong quý. Đáng chú ý, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư quý này của VPBank lên tới 1.390 tỷ, cao gấp 14 lần so với quý II/2020.
Trong khi doanh thu tăng ròng gần 3.100 tỷ, chi phí hoạt động quý gần nhất của VPBank không thay đổi nhiều. Vì vậy, dù phải chi gần 4.200 tỷ dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 54%), nhà băng này vẫn lãi trước thuế 5.031 tỷ đồng.
So với quý liền trước, lợi nhuận quý II của VPBank đã tăng 26%. Nếu so với cùng kỳ, mức lãi trước thuế của ngân hàng này cũng cao hơn 37%. Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp quý II cũng đạt mức tăng tương ứng, mang về cho ngân hàng 4.016 tỷ.
Tính chung 6 tháng từ đầu năm, VPBank đạt 23.098 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD) doanh thu và lãi trước thuế 9.037 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 37%. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng ghi nhận được trong một kỳ tài chính 6 tháng đầu năm.
Sau khi trừ thuế, hoạt động kinh doanh nửa đầu năm nay mang về cho ngân hàng khoản lãi ròng 7.218 tỷ đồng. Năm nay, ban lãnh đạo VPBank đặt mục tiêu đạt 16.654 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau nửa năm, ngân hàng đã đạt được 54% chỉ tiêu này.
Nếu tính riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước và sau thuế nửa đầu năm nay của VPBank đã đạt 11.530 tỷ và 9.945 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.
Trong đó, tăng trưởng từ ngân hàng mẹ chủ yếu đến từ việc ghi nhận thêm hơn 3.600 tỷ đồng thu nhập từ góp vốn mua cổ phần, mà chủ yếu là từ FE Credit, khoản mục này không được ghi nhận trong báo cáo tài chính.
Tổng tài sản gần 451.800 tỷ đồng
Tính đến cuối quý II, VPBank có tổng tài sản đạt gần 451.800 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 310.800 tỷ, tăng 7% và tiền gửi khách hàng đạt 233.600 tỷ đồng, tương đương con số đầu năm.
Nhà băng này cũng đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 từ việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành thêm từ nguồn quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Trong đó, VPBank dự kiến phát hành thêm cổ phiếu tỷ lệ 80%, bao gồm 62,15% trả cổ tức và 17,85% phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 45.000 tỷ đồng.
|
Với hơn 9.000 tỷ đồng lợi nhuận sau nửa năm, VPBank hiện xếp thứ 4 trong nhóm các ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Ảnh: Việt Linh.
|
Mới đây, ngân hàng VPBank cũng đã chi gần 150 tỷ để mua 715 máy hỗ trợ hô hấp, chi viện khẩn cấp cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong đó, bao gồm 215 máy thở xâm nhập và không xâm nhập chức năng cao cùng 500 hệ thống làm ẩm thở oxy dòng cao.
Lãnh đạo VPBank cho biết do tính cấp bách của tình hình dịch bệnh, trong 2 ngày 19-20/7, ngân hàng đã cùng Bộ Y tế đã chuyển 10 máy thở cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19, 20 máy thở xâm nhập và không xâm nhập cho Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và 1 máy thở cùng loại cho Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa (tỉnh Long An).
Tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát, VPBank đã trích khoảng 250 tỷ đồng để đóng góp vào công tác phòng chống dịch.
Theo Quang Thắng/Zing