Trong tháng đầu năm 2017, vốn ngoại tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị danh mục đạt trên 18,4 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả tiền sẵn sàng trên tài khoản gián tiếp thì xấp xỉ 20 tỷ USD.
Đây là thông tin ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về thị trường chứng khoán mới đây.
Theo đó, ông Bằng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, mức vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 2.260.000 tỷ đồng, tương đương 50,3% GDP, tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán.
|
Ảnh minh họa: Vietnam Finance. |
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, huy động vốn trên thị trường chứng khoán đã đạt 40.700 tỷ đồng. Trong đó, giá trị huy động vốn tháng 2 tăng 79% so với tháng 1/2017.
Một trong những lý do khiến vốn hóa trên thị trường chứng khoán đầu năm 2017 tăng đó là dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài tăng.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Riêng tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị danh mục đạt trên 18,4 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả tiền sẵn sàng trên tài khoản gián tiếp thì xấp xỉ 20 tỷ USD.
Còn tính đến hết năm 2016, theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài tham gia ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 1,2 tỉ USD.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), ước tính từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã cấp gần 1.500 mã cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Như vậy, tính ra bình quân mỗi ngày, Việt Nam đón thêm khoảng 4 nhà đầu tư nước ngoài mới.
Những con số trên cho thấy dường như thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sức hấp dẫn mạnh hơn với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bề nổi là con số tổng hợp quy mô vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường thì có lẽ không phản ánh được thực chất vấn đề. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, dòng vốn ngoại hiện vẫn chỉ tập trung vào một số rất ít mã cổ phiếu lớn như VNM (Công ty CP Sữa Vinamilk), SAB (Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn), SSI (Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn), CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam), ROS (Công ty CP Xây dựng FLC Faros).
Cụ thể, tính đến ngày 10/3, lượng vốn ngoại đổ vào cổ phiếu VNM là 1.184,3 tỷ đồng; SAB vốn ngoại mua ròng 218 tỷ đồng, SSI vốn ngoại chiếm 127,8 tỷ đồng, CTG là 115,7 tỷ đồng, ROS là 158,9 tỷ đồng.
Nhìn thuần túy sức mua thì rõ ràng là khối ngoại hỗ trợ thị trường. Chỉ có điều phần lớn lực hỗ trợ này tập trung vào những mã như VNM (mua ròng 1.184,3 tỷ đồng), SAB (mua ròng 218 tỷ đồng), ROS (158,9 tỷ đồng ròng), SSI (127,8 tỷ đồng ròng), CTG (115,7 tỷ đồng ròng).
Trong khi những mã cổ phiếu này không phải chỉ sang năm 2017 mới thu hút vốn ngoại mà từ các năm trước đó đã hấp dẫn dòng vốn này. Điều này cho thấy không hẳn vốn ngoại chảy vào thị trường lớn có nghĩa là thị trường nói chung đang thu hút và có nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận định về dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trước đó, vẫn có những doanh nghiệp thể hiện quan điểm lo ngại. Chẳng hạn, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho rằng, việc nhà nước đẩy mạnh đưa các doanh nghiệp lớn dồn dập lên sàn đã khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại rằng nguồn cung khổng lồ này sẽ gây thêm sức ép lên thị trường.
Hiện chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) của thi trường Việt Nam tính tới cuối năm 2016 ở mức 16x, vẫn là khá hấp dẫn nhà đầu tư so với thị trường trong khu vực. Tuy vậy, quy mô thị trường hiện khá nhỏ là rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để thu hút vốn ngoại, Chính phủ cần có nhiều giải pháp. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết để tăng quy mô thị trường, Nhà nước cần đẩy mạnh thoái vốn để giảm sở hữu tại các doanh nghiệp, đồng thời cần có giải pháp mới, khơi thông vướng mắc nới room hiện nay.
Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất, cùng với quá trình đưa cổ phiếu lên sàn, Nhà nước cần khẩn trương thoái vốn với tỷ lệ lớn, thậm chí thoái 100% tại các DN không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ cổ phần. Sẽ rất khó hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nếu các DN tốt mà nhà nước chỉ bán ra thị trường 5-10% cổ phiếu. Nhà đầu tư ngoại không thể bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu USD đầu tư vào DN, nếu họ không nhìn thấy khả năng có thể trở thành cổ đông lớn, đủ sức giám sát và tham gia vào quá trình điều hành, thúc DN sinh lợi.
Minh Hiếu