Lực cung gia tăng nhưng chủ yếu trong nhóm vốn hóa lớn khiến sắc xanh vẫn chiếm ưu thế dù VN-Index giảm. Sàn HoSE ghi nhận 185 mã tăng, 55 mã đứng tham chiếu và 175 mã giảm. Tuy nhiên, trong nhóm VN30, sự chênh lệch thể hiện rõ hơn với 24/30 mã bluechip giảm giá.
Hầu hết cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm giá. Như, VCB giảm 3%, BID giảm 2,5%, VIC giảm 1,1%. Các cổ phiếu khác như SAB, VNM về tham chiếu, FPT, PNJ, MWH, BVH đều chìm trong sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại, VPB chỉ tăng còn 2,4% trước lực bán áp đảo đến từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài với khối lượng bán ròng hơn 3,8 triệu đơn vị, CTD tăng 5,6% lên 64.000 đồng/cp…
|
Thị trường giảm điểm phiên đầu tuần. |
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp và cao su ghi nhận sự bứt phá với nhiều mã tăng trần. Có thể kể đến như SZL, SZC, D2D, SIP, PHR, GVR… Ngoài ra, nhóm thuỷ sản như MPC tăng 9,8%, VHC, ANV tăng trần.
Nhóm cổ phiếu dầu khí biến động mạnh trong phiên chiều. Đến 14h, OIL, PVB giảm hơn 5%, PVD giảm 3,9%, BSR giảm 3,3%, PVS giảm 1,7%. Ở chiều ngược lại, POW tăng hơn 3%.
Cổ phiếu OIL bị bán mạnh sau trong phiên chiều, dứt chuỗi tăng hơn 11% trước đó khi công ty công bố số liệu tài chính quý 1. Theo báo cáo tài chính, OIL lỗ trước thuế trong ba tháng đầu năm hơn 530 tỷ đồng, tăng đột biến so với cùng kỳ và nâng tổng mức lỗ lũy kế lên gần 1.200 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo công ty, tác động của COVID-19 khiến tính hình kinh doanh xăng dầu các đầu mối và OIL gặp nhiều khó khăn. Sản lượng kinh doanh trong quý 1 giảm 11%, sản lượng bán lẻ giảm 6%.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu tháng 4 thấp hơn giá gốc hàng tồn kho tại ngày 31/3 khiến công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 275 tỷ đồng.
Anh Nhi