Sự việc công ty Vinaca sản xuất thuốc điều trị ung thư giả bằng củi tre, nứa đang gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, theo điều tra của PV VOV, đơn vị này từng được nhận giải thưởng, vinh danh trong chương trình Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Tính pháp lý của tấm giấy chứng nhận này như thế nào?
|
Công ty TNHH VINACA từng được trao chứng nhận thương hiệu đạt tốp 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt nam 2017 (nguồn: trang web của công ty TNHH VINACA). |
Tại chương trình nhận giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, theo sự công bố, Công ty TNHH Vinaca (số 17, ngõ 40 phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã được trao chứng nhận trong chương trình tôn vinh thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu 2017.
Những thông tin được quảng cáo trên trang web vinaca.vn cho thấy, giấy chứng nhận được cấp bởi Viện công nghệ chống làm giả (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) và Tạp chí hàng hoá và thương hiệu.
Tính pháp lý của giấy chứng nhận này cần được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm chứng.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tỏ ra lo lắng khi tình trạng các doanh nghiệp muốn bán sản phẩm đã quảng cáo quá mức cần thiết, gắn mác và đưa các chứng nhận, cúp chứng nhận lừa bịp người tiêu dùng.
|
Sở Y tế Hà Nội mới phát hiện 8 loại sản phẩm không rõ nguồn gốc tại chi nhánh công ty Vinaca ở Hà Đông. |
“Việc tổ chức cấp phép, cấp bằng, cấp Cup và giấy chứng nhận báo đài đã nói rất nhiều. Có hiện tượng đóng một khoản tiền nhất định thì người ta đóng cho chứ không quan tâm đến chất lượng hàng hoá cũng như uy tín doanh nghiệp. Vì vậy các đối tượng lợi dụng những cái này người ta đóng tiền để nhận những cái đấy về để lừa dối người tiêu dùng. Và cũng không loại trừ công ty Vinaca, điều kiện cơ sở nhếch nhác, nguồn nhân lực như vậy mà cũng cấp được chất lượng cao giải vàng thì cũng không còn gì để nói. Đây là bài học để chúng ta chấn chỉnh lại. Chúng ta cũng phải xử lý những người cấp phép”, ông Trần Hùng nói.
Ngoài Hải Phòng, Vinaca có hàng chục cơ sở trên toàn quốc từ Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Đắc Nông, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh...
Đối với cơ sở của Vinaca tại huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh), đội quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) đã tiến hành kiểm tra và đình chỉ hoạt động từ đầu tháng 4/2018 do chưa đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ.
|
Thuốc chữa ung thư của Vinaca được làm từ bột than tre, nứa bị phát hiện. |
“Địa bàn huyện có 3 điểm hoạt động theo phương thức trưng bày, giới thiệu sản phẩm Vinaca, Đội QLTT số 13 đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra xem hoạt động của 3 gian hàng này là như thế nào. Trong đó có 2 gian hàng trưng bày, 1 gian hàng chỉ có biển hiệu bên ngoài”, bà Đinh Tuyết Nhung - Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 13 cho biết.
Có thể thấy, việc một công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư từ than tre bị Công an TP. Hải Phòng triệt phá nhưng lại được tôn vinh về chất lượng sản phẩm là điều khó hiểu (?!).
Hiện đối tượng Nguyễn Xuân Thu – Giám đốc Công ty Vinaca (37 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước đó, để mở rộng mạng lưới của đối tượng Thu với các đại lý, phóng viên ghi nhận được những lời giới thiệu như bán hàng đa cấp, “đại lý khởi nghiệp với Vinaca”...với những ưu đãi, chiết khấu, hoa hồng cao, đã khiến cho nhiều người tin và tham gia vào mạng lưới bán hàng của Vinaca.
Chính từ đây, hàng tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm của Nguyễn Xuân Thu đã làm lay động nhiều người. Hàng trăm đại lý của Vinaca đã được khai trương trên toàn quốc. Nguyễn Xuân Thu, đối tượng trong vụ sản xuất các viên nang CO3.2 ung thư và nhiều sản phẩm khác đã bỏ trốn.
Trong khi đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra thu giữ nhiều sản phẩm Vinaca tại cơ sở sản xuất, gia công thực phẩm chức năng của Vinaca tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng do bà Đào Thị Chúc làm chủ cơ sở.
Trong khi đó, cơ sở cung cấp than tre, nứa cho Thu là Nguyễn Văn Tuấn (Công ty TNHH Hồng An Phong) tại huyện An Dương, TP. Hải Phòng cũng đã bị Sở Y tế TP. Hải Phòng “đột kích” kiểm tra.
“Sở Y tế đã tiến hành hậu kiểm đối với công ty Hồng An Phong, phát hiện cơ sở này có 10 công nhân đang làm công việc chặt tre, đốt tre thành than. Trong khi đó, các sản phẩm công bố với Sở Y tế lại không tiến hành sản xuất”, ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hải Phòng cho biết.
Liên quan đến vụ việc này, Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã đề nghị với Chi Cục quản lý thị trường TP. Hải Phòng làm việc với cơ quan công an xem xét tạm dừng tiêu huỷ tang vật để làm rõ thành phần, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu và thành phẩm đối với số tang vật được thu giữ.
Đồng thời, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường cũng đề nghị xem xét lại quy trình cấp giấy chứng nhận của Viện công nghệ chống làm giả (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) trong chương trình tôn vinh Vinaca nhận giải thưởng Tốp 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam./.
Theo Tiến Cường/VOV