Vietnam Airlines tiếp tục rao bán 11 máy bay

Google News

Vietnam Airlines vừa mời đấu giá 11 chiếc máy bay thân hẹp A321ceo, một phần trong kế hoạch làm mới đội bay cũng như cải thiện dòng tiền của hãng.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang mời đấu giá 11 máy bay A321ceo, sản xuất vào các năm 2004, 2007 và 2008. Hãng bay cũng đang có nhu cầu thực hiện "sale and leaseback" một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm một bộ chuyển đổi nhanh động cơ, dự kiến nhận bàn giao vào tháng 7.

Chia sẻ với Zing, nguồn tin tại Vietnam Airlines cho hay đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của hãng nhằm "trẻ hóa" đội bay thân hẹp. Việc rao bán máy bay cũ cũng giúp hãng bổ sung dòng tiền để sinh tồn trong dịch Covid-19.

Vietnam Airlines tiep tuc rao ban 11 may bay

Vietnam Airlines tiếp tục rao bán thêm máy bay thân hẹp A321ceo trong đội bay. Ảnh: Hoàng Hà.

Trước đó Vietnam Airlines nhiều lần rao bán những chiếc A321ceo có tuổi đời cao trong đội bay. Tháng 8/2020, hãng đã rao bán 9 chiếc A321ceo sản xuất các năm 2007, 2008 hay xa hơn, tháng 10/2019, hãng cũng phát đi thông báo muốn bán 5 chiếc A321ceo đã cũ của hãng trong kế hoạch làm mới đội bay thân hẹp.

Trong 11 tàu bay Vietnam Airlines mời bán đấu giá, có 2 chiếc từ đợt rao bán năm 2020 chuyển sang và 9 chiếc khác.

Chia sẻ vào thời điểm đó, đại diện Vietnam Airlines cho hay dù khả năng thành công thấp do không nhiều hãng bay có nhu cầu mua thêm máy bay trong dịch nhưng hãng vẫn sẽ "kiên trì thực hiện".

Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2019 của Vietnam Airlines, hãng đã bán được 5 chiếc A321ceo với tổng giá trị thanh lý khoảng 37 triệu USD. Trên thực tế, doanh nghiệp đã bàn giao ba chiếc, thu về 365 tỷ đồng. Với hai máy bay còn lại, phía đối tác không nhận bàn giao và đồng ý trả khoản phạt 23,5 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.

Ngoài những chiếc được mua về tiếp tục khai thác, chiếc A321ceo với số đăng ký VN-A347, nằm trong 5 máy bay được rao bán trên, đã được đơn vị sở hữu mới rã lấy linh kiện, phụ tùng. Riêng vỏ của chiếc máy bay này, một doanh nghiệp đã cắt nhỏ và gia công thành 7.500 tấm móc hành lý lưu niệm với màu sơn nhận diện nguyên bản của hãng và bán với giá 24,95 - 39,95 USD (580.000 - 930.000 đồng) mỗi tấm tùy theo màu sắc sơn tại vị trí cắt.

Theo báo cáo tài chính quý I của Vietnam Airlines, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.900 tỷ đồng thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quý I của Vietnam Airlines khó khăn một phần do cạnh tranh khốc liệt tại thị trường hàng không nội địa và còn do dịch Covid-19 tái bùng phát vào đúng cao điểm Tết Nguyên đán khiến toàn ngành hàng không hụt thu.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây có quyết định đưa cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4.

Lý do được đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Theo Ngô Minh/Zing