Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu thuần tăng khả quan 11% so cùng kỳ khi đạt 23.569 tỷ đồng. Giá vốn cũng được kiểm soát chỉ tăng 6% khi chiếm 22.329 tỷ đồng.
Do đó lợi nhuận gộp vọt lên gấp 7,5 lần cùng kỳ với 1.240 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện từ mức 0,8% của cùng kỳ lên 5,3%.
Tuy nhiên, kỳ này chi phí tài chính vẫn tăng mạnh 24% lên 1.895 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay "ngốn" gần 400 tỷ đồng.
Thêm vào đó chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 61% lên mức 1.371 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng 8% với 543 tỷ đồng.
Dù ghi nhận 228 tỷ đồng từ lợi nhuận khác, gấp gần 10 lần cùng kỳ song sau cùng Vietnam Airlines cũng tiếp tục lỗ ròng 2.277 tỷ đồng trong quý 3/2023, nhẹ hơn mức lỗ 2.623 tỷ đồng của cùng kỳ.
|
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của HVN |
Tính chung 9 tháng, doanh thu thuần của Vietnam Airlines vẫn tiếp tục tăng 32% so cùng kỳ, với 67.627 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi trừ các loại chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính 3.580 tỷ thì hãng hàng không này lỗ ròng 3.742 tỷ đồng sau 9 tháng, nâng lỗ lũy kế lên con số 37.932 tỷ đồng.
Chính mức lỗ này đã kéo vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm nặng thêm với 13.950 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines xấp xỉ đầu năm với 60.327 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt tăng nhẹ lên 2.959 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng ở mức 898 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 19% lên mức 5.833 tỷ đồng, nhưng dự phòng khó đòi lên tới 239 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh 42% với 4.083 tỷ đồng trong đó phải trích dự phòng 221 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 74.278 tỷ đồng (tăng gần 5% so đầu năm), Vietnam Airlines đang có 59.810 tỷ đồng vay ngắn hạn, trong đó vay nợ tài chính chiếm 17.361 tỷ đồng. Còn vay nợ tài chính dài hạn giảm nhẹ xuống 11.226 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vietnam Airlines, doanh thu kỳ này tăng trưởng nhờ doanh thu quốc tế tăng mạnh do thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Thêm vào đó, kỳ này Vietnam Airlines cũng giảm được lỗ của công ty mẹ và Pacific Airlines, đồng thời các công ty con kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian qua, do thị trường vận tải từng bước phục hồi và Vietnam Airlines chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp ngắn và dài hạn như điều hành linh hoạt cung ứng vận chuyển, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, HongKong, Đài Loan... Và các yếu tố chiến tranh, rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá, lãi suất tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doan.
Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đề án, năm 2023 và các năm tiếp theo, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu. Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được phê duyệt.
Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động kinh doanh đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển thời gian tới.
Minh An