Tại báo cáo cập nhật của VNDirect, VietinBank cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giảm lãi suất cho vay từ 1,0% đến 1,5% đối với các khoản vay hiện hữu hoặc vay mới, ưu đãi thanh toán quốc tế, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các khoản vay thanh toán trước hạn... với tổng chi phí ước tính là khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.
VietinBank dự kiến ghi nhận thu nhập từ phân phối bảo hiểm độc quyền vào nửa cuối năm 2021 hoặc quý đầu tiên năm 2020 khi Manulife hoàn tất các thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, ngân hàng có kế hoạch thoái vốn 3 công ty con. Trong đó, với Công ty cho thuê tài chính TNHH MTV, Hội đồng Quản trị VietinBank đã chấp thuận kế hoạch chuyển 50% vốn điều lệ, trong đó: 49% cho Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance và 1% cho nhà đầu tư trong nước.
Hiện tại, hồ sơ của thương vụ thoái vốn này đang được chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, và thương vụ này được kỳ vọng sẽ hoàn thành và ghi nhận trong năm 2021.
Với Công ty Cổ phần chứng khoán Vietinbank, ngân hàng có kế hoạch chuyển nhượng 25,6% vốn điều lệ trong tương lai, ngay khi tìm được đối tác cho thương vụ này. VietinBank cũng đang cân nhắc kế hoạch thoái vốn trong tương lai với Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ.
VietinBank cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng dự án VietinBank Tower. Đây là dự án được xây dựng với diện tích gần 30.000 m2, bao gồm 2 tòa 48 và 68 tầng tại Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 10.267 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công năm 2010, được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chậm tiến độ.
Giữ khuyến nghị Khả quan với giá mục tiêu không đổi 42.000 đồng
Vietinbank là ngân hàng lớn thứ ba tại Việt Nam, VNDirect đánh giá ngân hàng này hoàn toàn có vị thế để mở rộng sang mảng bán lẻ nhờ cơ sở khách hàng và chi nhánh mạng lưới rộng khắp cả nước.
Cuối năm 2020, VietinBank và Manulife Việt Nam thông báo đã ký thoả thuận thành lập quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền cho 16 năm. Nhóm phân tích kỳ vọng doanh số bán bảo hiểm của ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng kép 100% trong 3 năm tới – mức nhanh nhất trong các ngành kinh doanh của ngân hàng. Bên cạnh đó, dự phóng VietinBank sẽ nhận được 250 triệu USD phí độc quyền trả trước, phân bổ ghi nhận trong 5 năm từ cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Vào tháng 8 năm 2021, VietinBank được thêm vào chỉ số thị trường Cận biên của Morgan Stanley Capital International (MSCI). Việc xuất hiện trong chỉ số sẽ giúp CTG thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
VNDirect ước tính cổ phiếu CTG chiếm 0,3% tổng danh mục. Trong trường hợp, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên chỉ số này với tổng số tiền là 2 tỷ USD, sẽ thu hút 6,5 triệu USD, tương đương với 4,3 triệu cổ phiếu CTG.
Hiện tại, CTG đang giao dịch ở mức P/B 2021 là 1,7x, thấp hơn một chút so với trung bình ngành. VNDirect cho rằng mức định giá như vậy là hoàn toàn hấp dẫn với một ngân hàng có ROE trung bình 2021-22 đạt mức 19%. Tiềm năng tăng giá của CTG bao gồm việc ghi nhận từ thương vụ thoái vốn. Rủi ro giảm giá là chi phí vốn cao hơn dự kiến do cạnh tranh cho các khoản tiền gửi dài hạn.
Giá mục tiêu dựa trên định giá thu nhập thăng dư (Chi phí vốn: 13%, Tăng trưởng dài hạn: 4%) và P/B năm 2021 là 2,0x với tỷ trọng bằng nhau.
CTG được thêm vào MSCI Frontier Markets Index từ tháng 9/21, chúng tôi cho rằng đây có thể là thông tin tích cực hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Tiềm năng tăng giá là thu nhập từ thương vụ thoái vốn. Rủi ro giảm giá là chi phí vốn cao hơn dự kiến do cạnh tranh cho các khoản tiền gửi dài hạn.
Anh Nhi