Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bắc Phú Thọ vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Giấy BPP (đổi tên từ Công ty CP Giấy Bãi Bằng).
Theo đó, tổng dư nợ gốc và lãi tính của doanh nghiệp nêu trên tại VietinBank đến ngày 30/6 là 389,2 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 212,5 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 154,7 tỷ đồng và lãi phạt quá hạn là 21,8 tỷ đồng.
|
“Núi nợ” gần 400 tỷ đồng của “ông lớn” Giấy Bãi Bằng được VietinBank bán đấu giá. Ảnh minh họa. |
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ bao gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị và các hạng mục khác phục vụ sản xuất giấy in, viết của dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giấy in, viết công suất 50.000 tấn/năm của Công ty CP Giấy BBP được đầu tư xây dựng, lắp đặt trên đất của 2 quyền sử dụng đất có diện tích 31.867m2 tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Cùng đó là toàn bộ nhà xưởng và vật kiến trúc khác được xây dựng trên đất của quyền sử dụng đất có diện tích 18.945m2.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có dây chuyền thiết bị tẩy trắng bột tre công suất 10.000 tấn/năm, hệ thống thiết bị xeo, hệ thống máy khuấy bột, máy biến áp 1.500KVA, hệ thống cân điện tử và 5 phương tiện vận tải gồm 1 xe ô tô con, 2 xe Volvo 642, 1 xe ô tô tải và 1 xe nâng hàng.
Công ty CP Giấy BPP (được đổi tên từ Công ty CP Giấy Bãi Bằng) có địa chỉ tại khu Tầm Vông, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT hiện đang là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Giấy Bãi Bằng là tên tuổi “vang bóng một thời” của ngành giấy Việt Nam. Đây cũng là cái tên gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x và 9x với những quyển vở xanh, có hình ảnh cậu bé cưỡi trâu.
Nhà máy Giấy Bãi Bằng được thành lập vào cuối năm 1982 với sự giúp đỡ về tài chính và công nghệ của chính phủ Thụy Điển. Ban đầu, Giấy Bãi Bằng chỉ gồm một nhà máy sản xuất giấy.
Năm 2002, nhà máy được mở rộng, nâng công suất từ 48.000 tấn bột, 55.000 tấn giấy lên 61.000 tấn bột và 100.000 tấn giấy. Năm 2006, Công ty Giấy Bãi Bằng trở thành một thành viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Đây là một trong những doanh nghiệp từng là tên tuổi lớn trong ngành giấy Việt Nam.
Trước đó, VietinBank cũng thông báo bán khoản nợ là các quyền sử dụng đất của Công ty CP Thương mại và Đầu tư Khoáng sản Trung Ngọc, với tổng dư nợ tính đến ngày 22/7 là 144,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 40,4 tỷ đồng, dư nợ lãi là 104,4 tỷ đồng gồm lãi trong hạn là 70,4 tỷ đồng và lãi phạt là 33,9 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Trung Ngọc là 14 quyền sử dụng đất, trong đó 9 quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và các quyền sử dụng đất còn lại tại quận Cầu Giấy, huyện Đông Anh, huyện Mê Linh và huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Ngoài ra, VietinBank cũng muốn bán khoản nợ 186,1 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và khai thác khoáng sản Việt Nam. Trong đó dư nợ gốc là 60,3 tỷ đồng, dư nợ lãi là 125,8 tỷ đồng bao gồm 84,7 tỷ đồng lãi trong hạn và 41 tỷ đồng lãi phạt.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là 23 quyền sử dụng đất, trong đó 16 quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, 2 quyền sử dụng đất tại huyện Gia Lâm, Hà Nội và các quyền sử dụng đất còn lại tại quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và quận Ba Đình, Hà Nội.
Công ty CP Thương mại và Đầu tư Khoáng sản Trung Ngọc và Công ty CP Đầu tư và khai thác khoáng sản Việt Nam và đều là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Công ty CP Thương mại và Đầu tư Khoáng sản Trung Ngọc được thành lập năm 2009, địa chỉ tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, với đại diện pháp luật là bà Vũ Thúy Hạnh.
Công ty CP Đầu tư và khai thác khoáng sản Việt Nam thành lập năm 2007, địa chỉ tại phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Lê Minh Tú.
Liên Hà Thái