Phóng viên: Hiệp định CPTPP sắp được ký kết chính thức với sự vắng mặt của Mỹ. Ông có thể đánh giá những điểm lợi thế và bất lợi đối với Việt Nam trong hiệp định thế hệ mới này?
- Ông Lương Hoàng Thái: Tất nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, đã có những điều chỉnh trong các điều khoản cam kết giữa các nước. Nhưng về cơ bản, CPTPP duy trì và kế thừa các nội dung của TPP, đặc biệt là cam kết về mở cửa thị trường. Do đó, cơ hội, thách thức đối với các nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) cơ bản được giữ nguyên. Điểm lớn nhất là những điều chỉnh về hệ thống pháp luật trong CPTPP theo hướng linh hoạt hơn, tùy thuộc vào điều kiện của từng nước.
|
CPTPP có thể giúp Việt Nam tăng GDP thêm 1 điểm phần trăm. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
|
Lợi ích của mỗi nền kinh tế trong CPTPP là khác nhau. Với Việt Nam, nếu xét tác động trực tiếp, CPTPP có thể giúp GDP tăng thêm 1 điểm phần trăm. Còn ở góc độ gián tiếp với ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý, tăng năng lực cạnh tranh, năng suất lao động… thì đóng góp dự kiến lên tới 3,5 điểm phần trăm. Tác động tập trung vào những ngành, vấn đề mà chúng ta mong muốn có sự cải thiện như xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia về ngành nông lâm nghiệp thủy sản hay một số ngành tận dụng thị trường lao động như giày dép… Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm được 0,9 triệu người thuộc diện đói nghèo.
Như vậy, "TPP không có Mỹ" vẫn có những lợi ích nhất định, nhất là việc hoãn thực thi các cam kết khó về sở hữu trí tuệ, lao động…, thưa ông?
- CPTPP vẫn hướng đến tính mở, trong đó tính đến việc Mỹ có thể tham gia trở lại. Thực tế, Mỹ đang cân nhắc tham gia trở lại hiệp định này. Tất nhiên, Mỹ đặt yêu cầu các nước phải điều chỉnh cam kết nhưng hiện tại, các nước tham gia không muốn điều chỉnh cam kết này. Dẫu sao, CPTPP cũng gửi đi thông điệp là các nước thành viên mong muốn hợp tác với Mỹ và các nước khác trong khu vực.
Không thể phủ nhận việc Mỹ không tham gia hiệp định sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận thị trường bởi Mỹ là thị trường lớn nhất, song ngược lại, các cam kết cũng giảm đi khi Mỹ rút nhằm tạo điều kiện cho các nước chuẩn bị tốt hơn để thực hiện các cam kết cao hơn trong thời gian sau này.
Với riêng các cam kết về lao động, công đoàn, sau khi Mỹ rút, các nội dung này cũng có những thay đổi nhất định. Một mặt chúng ta duy trì quyết tâm thực hiện nghĩa vụ của chúng ta trong ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) về tiêu chuẩn lao động, công đoàn với các nước thành viên. Nhưng với CPTPP thì lộ trình cũng như cách thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nói cách khác, điều khoản vẫn giữ nguyên nhưng việc triển khai sẽ hoàn toàn căn cứ trên sự chủ động của chúng ta, có tính đến điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội của ta.
Ông đánh giá thế nào về khả năng Mỹ quay lại?
- Các nước sẵn sàng chào đón Mỹ quay lại. Chính vì vậy, CPTPP mới có danh mục 20 điều khoản tạm hoãn. Tạm hoãn tức là nếu Mỹ quay lại thì sẽ vẫn có thể thực thi.
Chúng ta đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với khu vực và thế giới nhưng vẫn chưa tận dụng hết được cơ hội từ các hiệp định này. Với CPTPP - một hiệp định thế hệ mới với nhiều điều khoản rất khó đáp ứng, liệu chúng ta có đủ tự tin đối mặt?
- Theo nghiên cứu của một số công ty tư vấn, Việt Nam là nước hưởng lợi từ thương mại, đầu tư quốc tế đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore. Thực tế, dù là nước có xuất phát điểm thấp nhưng chúng ta đã đối đầu được trong nhiều tình huống. Chẳng hạn, sau khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, một giai đoạn dài chúng ta nhập siêu lớn nhưng sau đó đã nỗ lực đưa những cân đối lớn của nền kinh tế quay trở lại với dấu hiệu tích cực.
Mặt khác, các nước thành viên CPTPP có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, không phải là nước cạnh tranh trực tiếp với chúng ta. Khả năng điều chỉnh đáp ứng được các đòi hỏi dự kiến sẽ thuận lợi hơn so với một số hiệp định khác chúng ta đã ký.
Ông nghĩ sao về quan điểm CPTPP chỉ có lợi cho các tập đoàn đa quốc gia, những nước lớn?
- Như tôi đã nói, đây không phải việc chúng ta tự đánh giá được bởi theo nghiên cứu thì Việt Nam hưởng lợi từ hội nhập thương mại, đầu tư đứng thứ 2 trong khu vực. Tất nhiên, các nước, các tập đoàn lớn có thể có khả năng tận dụng tốt các hiệp định, song cũng phải nhận thấy các nước khác nhận được lợi ích từ các nước lớn, tập đoàn lớn khi họ mang lại công ăn việc làm, công nghệ… Nhiều nước đang phát triển thông qua việc chủ động hội nhập đã bước được chân vào hệ thống toàn cầu, thậm chí cạnh tranh rất tốt.
Hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại về thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, môi trường, nguy cơ mất thị trường bán lẻ... trong quá trình hội nhập. Cách thức đối mặt sẽ ra sao để vừa tận dụng được cơ hội vừa hạn chế được tác động tiêu cực?
- Đúng là quá trình mở cửa hội nhập thì bên cạnh cơ hội còn có những thách thức rất lớn, như thách thức về môi trường, nguy cơ bị thôn tính. Nhưng với CPTPP, chúng ta đạt được cả những lợi ích về mặt chiến lược. Cụ thể, trong bối cảnh các nước đang xoay sang xu hướng bảo hộ mậu dịch thì với những nước có quy mô kinh tế nhỏ như Việt Nam, rủi ro càng lớn. Nhất là chúng ta lại là nước tương đối phụ thuộc vào thương mại đầu tư nước ngoài nên bất kỳ biến động nào cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Có được CPTPP trong tay cũng là giải pháp tạm gọi là "buôn có bạn, bán có phường" để đối phó với thách thức.
Còn với những thách thức đặt ra về thị trường, đầu tư, môi trường…, phải nhìn nhận công bằng rằng dù không có CPTPP, đó vẫn là những áp lực đã, đang và sẽ diễn ra. Đúng là với hiệp định mới này, DN nước ngoài sẽ dễ tiếp cận thị trường hơn nhưng trong quá trình hội nhập vừa qua, câu chuyện nước ngoài đầu tư, mua DN Việt, vấn đề bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ… diễn ra trước khi chúng ta ký kết CPTPP. Nhưng nhìn cụ thể vào số liệu thì thấy tỉ trọng phân phối bán lẻ trong nước do nước ngoài nắm không tăng lên; nhiều DN Việt nhìn thấy những cơ hội để phát triển như bán lẻ điện máy, gia dụng...
Trong quá trình hội nhập, có những ngành chúng ta phát triển hơn nhưng cũng có những ngành đối mặt với cạnh tranh cao khốc liệt hơn nhưng tôi tin tưởng DN Việt Nam đã có những bước chuẩn bị, tiếp tục chuẩn bị. Trong khu vực ASEAN, chúng ta đã hoàn thành tự do hóa thương mại với lộ trình cắt giảm thuế quan và đó chính là sự chuẩn bị có ý nghĩa nhất định.
Bộ Công Thương có kế hoạch như thế nào để chủ động hướng dẫn DN, các hiệp hội "chào đón" CPTPP với cả thách thức và cơ hội?
- Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình hành động sao cho thực thi hiệu quả nhất hiệp định này. Quá trình xây dựng chương trình hành động sẽ song song cùng quá trình trình lên cơ quan có thẩm quyền là Quốc hội phê chuẩn CPTPP. Với lộ trình được phê chuẩn, chương trình hành động của Chính phủ sẽ tập trung vào giúp đỡ DN vừa và nhỏ tận dụng tốt nhất cơ hội, tập trung vào lĩnh vực yếu thế cần thay đổi cơ cấu như chăn nuôi. Đặc biệt, tập trung cải thiện môi trường cạnh tranh.
Thêm nhiều nước muốn gia nhập CPTPP
Theo kế hoạch, CPTPP được ký kết ngày 8-3 tại thủ đô Santiago - Chile bởi bộ trưởng của 11 nước thành viên (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam).
Sau khi Mỹ rút khỏi vào tháng 1-2017, TPP - tiền thân của CPTPP - bị thu hẹp ảnh hưởng đáng kể, từ chỗ chiếm 40% còn 13,5% GDP toàn cầu. Dù vậy, theo chuyên gia Ignacio Bartesaghi của Trường ĐH Cơ Đốc giáo Uruguay, đây vẫn là hiệp định hết sức quan trọng, với tổng dân số 500 triệu người của 11 nước thành viên tạo nên thị trường lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU).
CPTPP sẽ có hiệu lực sau khi được 6 trong số 11 thành viên thông qua đủ 60 ngày. Dự kiến, hiệp định cắt giảm đáng kể các loại thuế nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ trong giao dịch giữa các thành viên từ năm 2019. "CPTPP sẽ tạo ra một tiêu chuẩn mới đối với các hiệp định kinh tế khu vực khác, thậm chí cho cả các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới" - Bộ Ngoại giao Chile nhấn mạnh.
Trước khi hiệp định được ký kết, các nước bên ngoài như Anh, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc và Indonesia cho hay đang xem xét gia nhập CPTPP. Những diễn biến này được xem là thông điệp dành cho Mỹ, nhất là Tổng thống Donald Trump, với khuynh hướng ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ.
Theo Phuong Nhung/Nlđ