Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đồng thời đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân liên quan.
Theo đó, liên quan vụ Vicem bán đất vàng Hà Nội, qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều yếu kém, sai phạm tại các đơn vị thuộc Vicem.
Theo đó, đề nghị điều chuyển Nhà điều dưỡng 5 tầng về Bộ Xây dựng quản lý không đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Đề nghị bàn giao về địa phương một số tài sản là cầu, đường do Công ty đầu tư xây dựng, đang sử dụng làm đường giao thông phục vụ dân sinh và sản xuất kinh doanh tại Vicem Hải Phòng nguyên giá hơn 93,8 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 56,1 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp nguyên giá hơn 15,8 tỷ đồng, giá trị còn lại hơn 6,1 tỷ đồng không đúng quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
|
Trụ sở của Vicem. |
Công ty Vicem, Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng bị phát hiện đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.
Ngoài ra, Vicem đã đề xuất thay đổi phương án sắp xếp, xử lý nhà đất đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 3 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc/và chưa được phê duyệt lại.
|
Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Hà Nội) nằm “trơ xương” suốt nhiều năm nay. (Ảnh: Vietnamnet). |
Cụ thể, lô đất gần 8.500 m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ liêm, Hà Nội), Tổng Công ty để thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng Công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Tiếp đó là lô đất hơn 52.000 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ “Xây dựng dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hóa sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP Hà Nội”, được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.
Lô đất hơn 166.500 m2 tại Khu công nghiệp Đông Hồi (xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”, đến tháng 5/2019 Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, nhiều đơn vị thuộc Vicem rơi vào tình trạng thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu. Trong đó, lỗ lũy kế tính đến ngày 31/12/2018 của Vicem Tam Điệp là 1.103 tỷ đồng; Công ty Xi măng Sông Thao là 410 tỷ đồng; Vicem Hải Phòng 201 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hạ Long âm vốn chủ sở hữu 1.638 tỷ đồng.
Một số Công ty khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép như Vicem Hà Tiên 1 ( Mỏ sét Kiên Lương); Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân (Mỏ sét tại đội 3 - thị trấn Nông trường Lệ Ninh) hoặc giấy phép hết hạn; khai thác vượt mức sản lượng tại Vicem Hà Tiên 1 (Nhà máy Xi măng Kiên Lương vượt 196%, Nhà máy Xi măng Bình Phước vượt 152%); Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mỏ Yên Duyên vượt 6,3%); Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (Mỏ đá vôi Hoàng Mai B vượt 13,73%)…
Với Vicem (Công ty mẹ) có những khoản đầu tư vào công ty liên kết, các khoản đầu tư dài hạn bị thua lỗ, mất vốn như đầu tư vào 1 công ty đang làm thủ tục giải thể, 5 Công ty liên kết lỗ lũy kế đến hết năm 2018 là 766 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác định chưa chính xác giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Vicem. Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh tăng theo phương pháp tài sản hơn 1.169 tỷ đồng, theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức gần 1.748 tỷ đồng.
Mời quý vị cùng xem video: Dự án Cát Linh Hà Đông - Lỗ vẫn làm, ai chịu trách nhiệm: Nguồn VTC 14.
Khánh Hoài (tổng hợp)