Vì sao Trung Quốc nhập nhiều cua, ốc của Việt Nam?

Google News

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 1 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt trên 1 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá tra và tôm chân trắng là hai mặt hàng mang về nguồn ngoại tệ chủ lực, với doanh thu lần lượt đạt 350 triệu và 180 triệu USD.

Các sản phẩm khác như tôm hùm, cua, ốc, nghêu… cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột phá. Trong đó, tôm hùm tăng 139%, cua tăng gấp 16 lần, ốc và nghêu lần lượt tăng 603% và 215%.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận, với thống kê trên, có thể thấy sản phẩm tươi sống của Việt Nam đang có dư địa tốt bởi nhu cầu tiêu thụ cao hơn, so với sản phẩm đông lạnh tại thị trường Trung Quốc.

Vi sao Trung Quoc nhap nhieu cua, oc cua Viet Nam?
 Ảnh minh họa.

Các mặt hàng đông lạnh hiện đang gặp khó vì áp lực cạnh tranh và sự sụt giảm giá nhập khẩu.

VASEP cũng cho biết thêm, Trung Quốc tuy là nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn sản lượng của nước này đến từ nuôi trồng.

Các loại hải sản địa phương có hạn và người tiêu dùng vẫn tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm được dán nhãn là chất lượng cao và được  quốc tế công nhận, nhất là thủy sản tươi sống. Chưa kể, sự phát triển của thương mại điện tử và hệ thống chuỗi cung ứng lạnh tiến tiến đã giúp cho các sản phẩm tươi sống được tiêu thụ nhiều hơn, đến gần hơn với người dùng nước này.

Đây là lý do 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn thủy sản từ các nước, trong đó Việt Nam là nguồn cung cấp lớn thứ 3 cho thị trường này. Cua sống, tôm hùm là những mặt hàng chiếm một lượng lớn trong sản lượng hải sản sống nhập khẩu của Trung Quốc.

VASEP cũng dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng còn lại năm nay tiếp tục tăng, nhất là dịp lễ, Tết cuối năm. Chính vì thế các  doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội để bứt phá tại thị trường này.

Theo THU HÀ/PLO