Theo danh sách tỷ phú thế giới (World's Billionaires 2018) vừa được tạp chí Forbes công bố, Saudi Arabia không có đại diện nào. Trong khi đó, trong danh sách năm ngoái, đại quốc gia Trung Đông có 10 tỷ phú.
Forbes cho biết không thể định giá được tài sản của những người giàu nhất của vương quốc dầu lửa giàu có bậc nhất Trung Đông sau chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn diễn ra vào cuối năm ngoái, khiến nhiều người trong số họ bị giam giữ vài tháng trong một khách sạn 5 sao.
|
Hoàng thân Alwaleed bin Talal bị bắt trong chiến dịch cuối năm ngoái và mới được trả tự do vào tháng 1/2018 - Ảnh: Forbes. |
Một số người sau đó cam kết nộp tiền mặt cùng các tài sản khác trị giá hơn 100 tỷ USD để được thả tự do. Tuy nhiên, giới chức Saudi Arabia không cung cấp thông tin chi tiết về các trường hợp dàn xếp này.
"Có tới 1001 câu chuyện về những gì đã xảy ra, khiến cho việc xác định ai đã trả cho ai bao nhiêu tiền và ở đâu trở nên bất khả thi", tạp chí Forbes cho biết trên website. "Vì không thể xác định thông tin chính xác, chúng tôi đã chọn cách loại bỏ tất cả 10 tỷ phú Saudi Arabia ra khỏi danh sách năm nay".
Nhân vật đình đám nhất bị bắt vào năm ngoái là Hoàng thân Alwaleed bin Talal - nhà đầu tư toàn cầu nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty lớn như Citigroup, Twitter và Apple. Trong danh sách tỷ phú của Forbes năm 2017, tài sản của ông là 18,7 tỷ USD.
Tỷ phú Ả Rập đã bị giam gần 3 tháng tại khách sạn Ritz-Carlton ở thủ đô Riyadh trước khi được thả tự do vào tháng 1 vừa rồi. Ngay sau khi được thả, tài sản của ông đã tăng hơn 1 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu tăng vọt.
Hiện tại khó có thể xác định tài sản cá nhân của hoàng thân này có còn nguyên vẹn hay không bởi điều kiện để ông được thả tự do không được công bố.
Năm 2013, tỷ phú này từng kiện Forbes tội phỉ báng khi tạp chí chỉ định giá tài sản của ông là 20 tỷ USD. Năm 2015, hai bên đã dàn xếp xong vụ kiện này.
Kể từ sau chiến dịch quét tham nhũng cuối năm ngoái, Saudi Arabia đang cố gắng gửi thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng quốc gia này đang tích cực mở cửa kinh doanh. Chính phủ nước này kỳ vọng có thể hút các nhà đầu tư rót tiền vào chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng Vision 2030.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia - người đứng sau chiến dịch chống tham nhũng trên, cũng đang đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách nhằm đa dạng hoá nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.
Theo Ngọc Trang/VnEconomy