Chỉ trong một tuần đầu tháng 8, Bitcoin đã tăng giá từ 3.000 lên 4.000 USD và đồng tiền thuật toán này đã tăng gấp gần 8 lần giá trị trong năm 2017. Dường như Bitcoin là kênh đầu tư quá hấp dẫn, sinh lời nhanh, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Adam Hartung của Forbes lại không đồng tình với quan điểm này.
Vì sao tiền tệ khác biệt với tất cả mọi thứ khác?
Theo ông Hartung, tiền tệ không phải là một thứ ảo thuật. Nếu không có tiền tệ chúng ta sẽ phải thực hiện toàn bộ các giao dịch thường ngày theo phương thức hàng đổi hàng. Bạn muốn mua xăng để chạy xe? Nếu không có tiền tệ bạn sẽ phải đổi cho người bán xăng một con gà hay một món hàng gì đó mà người bán xăng mong muốn. Đây là quá trình rất bất tiện.
Và tiền tệ ra đời để đại diện cho giá trị của mọi thứ trong đời sống.
Thay vì nói 4 lít xăng có giá bằng một con gà, chúng ra có thể quy ước lượng xăng này có giá 2,5 USD và con gà cũng có giá 2,5 USD. Vì vậy, tiền tệ chính là đơn vị đại diện cho giá trị.
USD chỉ là một tờ giấy gần như không có giá trị sử dụng, nhưng tờ USD đại diện cho sức mua, từ đây nó có tác dụng lưu trữ giá trị. Chúng ta giữ đồng USD để chúng ta có thể sử dụng giá trị mà nó lưu trữ để đổi lấy những gì chúng ta cần.
Tiền tệ không phải là dạng giá trị lưu trữ duy nhất. Mọi người mua vàng và khóa vào két vì họ nghĩ nhu cầu vàng sẽ tăng lên, khiến giá trị vàng tăng theo, và vì vậy, vàng có tác dụng lưu trữ giá trị.
Mọi người cũng mua những tác phẩm nghệ thuật quý hoặc đồng xu hiếm vì tin rằng qua thời gian, nhu cầu về những hiện vật như vậy sẽ tăng lên và giá trị của hiện vật cũng tăng theo. Những hiện vật này trở thành một dạng giá trị lưu trữ. Lý giải tương tự có thể áp dụng với bất động sản.
Tuy nhiên những dạng giá trị lưu trữ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì giá trị chúng chứa có thể biến mất hoàn toàn. Một mỏ vàng khổng lồ đột nhiên được tìm ra sẽ khiến nguồn cung vàng tăng đột biến và giá trị của vàng sẽ giảm. Nếu tác phẩm nghệ thuật đột nhiên bị phát hiện là hàng giả, giá trị của nó sẽ không còn.
Giá trị lưu trữ của một vật phụ thuộc vào một người, ngoài tầm kiểm soát của chủ nhân hiện tại, quyết định xem anh ta sẽ mua vật đó với giá bao nhiêu.
Tài sản được giữ dưới dạng giá trị lưu trữ có thể bốc hơi
Trong những năm 1630, người dân Hà lan tin rằng củ hoa tulip là một dạng giá trị lưu trữ. Hoa tulip khi đó rất có giá, khiến củ hoa tulip, vốn được sử dụng để làm giống trồng hao tulip, cũng có giá trị theo. Tuy nhiên theo thời gian, người Hà Lan mua củ tulip không chỉ để trồng hoa tulip nữa mà để cất giữ vì giá trị mà chúng đại diện.
Càng nhiều người mua củ tulip, cất trong ngăn kéo, giá củ tulip càng được đẩy lên cao, cho đến khi một củ tulip có giá gấp 10 lần thu nhập trung bình một năm của một người lao động Hà Lan và có giá hơn cả một căn nhà. Người Hà Lan tin rằng giá củ tulip sẽ tiếp tục tăng mãi mãi.
|
Bài học về bong bóng củ tulip tại Hà Lan những năm 1630 vẫn được giảng dạy tại các trường đại học về kinh tế. Ảnh: PicQuery. |
Tuy nhiên, không có gì giám sát việc sản xuất củ tulip. Đến một thời điểm, củ tulip được trồng ngày càng nhiều và không còn ai trồng để lấy hoa tulip nữa vì giá trị củ tulip cao hơn rất nhiều lần. Và từ đây lượng củ tulip đổ ra thị trường tăng vọt.
Mất rất nhiều tháng để củ tulip lên được mức giá đắt đỏ nhưng chỉ mất hai tháng để thị trường củ tulip sụp đổ. Khi người sở hữu củ tulip nhận ra không có ai đảm bảo cho giá trị của tulip mà họ đang giữ, mọi người đều muốn bán chúng đi càng nhanh càng tốt, gây ra hiện tượng bốc hơi hoàn toàn giá trị. Giá trị lưu trữ không còn khiến chủ sở hữu chỉ còn lại những củ tulip vô giá trị.
Dù việc sụp đổ hoàn toàn như củ tulip rất khó xảy ra với Bitcoin, mọi người vẫn nên tiếp cận với đồng tiền thuật toán này một cách cẩn trọng. Có những nguy cơ tương tự có thể xảy ra như ai đó có thể đánh sập sàn giao dịch bạn đang trao đổi và lưu trữ Bitcoin. Bên cạnh đó, tiền thuật toán cũng nổi tiếng với sự dao động lớn về giá và một lượng giao dịch mua hay bán đủ lớn có thể khiến giá Bitcoin tăng hoặc giảm 30% chỉ trong một ngày.
Hãy là một nhà đầu tư, thay vì nhà đầu cơ, và tránh Bitcoin
Có những nhà đầu cơ hay người chuyên giao dịch qua lại biến những thứ như Bitcoin trở thành thị trường. Họ không quan tâm đến giá trị cơ bản của chúng, tất cả những gì họ quan tâm là giá trị tại thời điểm hiện tại và đà tăng giảm giá.
Nếu một tài sản có vẻ như sắp tăng giá, họ sẽ mua vào và hy vọng bán ra với giá cao hơn để kiếm lời từ việc giao dịch. Họ không nhìn những thứ họ giao dịch là giá trị lưu trữ vì họ chỉ muốn giao dịch thật nhanh để xoay vòng kiếm tiền nhanh. Dù giá giảm họ vẫn chấp nhận bán để cắt lỗ, đó là lý do tại sao họ là những nhà đầu cơ.
Trong khi đó, phần lớn mọi người làm việc vất vả để kiếm từng đồng bỏ vào ngân hàng. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, nếu có tiền dư ra và muốn số giá trị này lớn thêm, chúng ta đầu tư vào những tài sản có giá trị cơ bản như bất động sản. Chúng ta muốn đầu tư tiền dài hạn, giữ nguồn cung và hy vọng vào nguồn cầu tăng trưởng trong tương lai.
Trừ khi bạn là người giao dịch chuyên nghiệp, hay đơn giản là bạn muốn đánh bạc, hãy tránh xa Bitcoin. Tiền thuật toán không có giá trị cố hữu, vì chúng là một loại tiền tệ đại diện cho giá trị chứ không có giá trị.
Đồng Bitcoin cũng không được quản lý hay hậu thuẫn bởi một chính phủ nào. Giá trị Bitcoin hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin rằng chúng sẽ tiếp tục có giá trị. Tại thời điểm hiện tại, thị trường Bitcoin giống với cơn điên củ tulip những năm 1630 hơn là một kênh đầu tư có thể tin tưởng.
Theo Zing