Điểm mặt loạt doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế 'khủng'
Ngày 12/1, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 63/QĐ-BCT về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đến nay nợ hơn 1.700 tỷ đồng tiền thuế, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, năm 2021, doanh nghiệp này nợ khoảng 815 tỷ đồng; năm 2020 nợ khoảng 761 tỷ đồng.
Hồ sơ về kinh doanh xăng dầu của Hải Hà đã được chuyển sang công an.
Một đại gia xăng dầu khác là CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu cũng nằm trong diện nợ thuế khủng. Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã phải ban hành quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn đối với CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Lý do bị cưỡng chế vì doanh nghiệp này có tiền nợ thuế nợ quá 90 ngày quy định. Số tiền bị cưỡng chế khi đó là hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thiên Minh Đức cuối tháng 12/2023 cũng bị Cục thuế tỉnh Nghệ An ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Lý do tạm hoãn xuất cảnh vì bà Chu Thị Thành là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này, thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Được biết, doanh nghiệp Thiên Minh Đức đang nợ thuế hơn 728 tỷ đồng và đang bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn từ tháng 7/2023-7/2024.
Trước đó, 'đại gia' xăng dầu khác là Xuyên Việt Oil (lãnh đạo đã bị khởi tố) cũng vẫn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số thuế nợ đọng kể trên thì tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.
Lãnh đạo Xuyên Việt Oil bị khởi tố, bắt giam, để lại món nợ thuế khổng lồ. Ảnh: Lương Bằng
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tại thời điểm 31/10/2022, một số đầu mối xăng dầu còn nợ, chưa nộp ngân sách Nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường là 6.323 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, có 6/15 đầu mối được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường là 3.219 tỷ đồng.
Tháng 11/2023, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các Cục Thuế thực hiện ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để thu hồi tiền nợ thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trường hợp doanh nghiệp cam kết nộp dần, Cục Thuế hướng dẫn và xem xét xử lý nộp dần theo quy định nếu doanh nghiệp hoàn thiện được hồ sơ nộp dần.
Nợ thuế khủng do đâu?
Giải thích số nợ thuế cao, trong văn bản gửi cơ quan chức năng, Công ty Nam Sông Hậu cho biết trước năm 2022 đều hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, riêng năm 2022, mặc dù giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao nhưng căn cứ công điện 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính Phủ “V/v đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước”, Bộ Công Thương đã có các công văn chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa”... Theo đó, công ty này phải bảo đảm cung ứng đủ lượng xăng dầu cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (hơn một triệu tấn), không để bị thiếu hụt.
"Đặc biệt, khi giá cả tăng cao, là công ty tư nhân, nguồn tài chính của công ty có hạn và rất khó khăn (vì không được hỗ trợ vốn như các tập đoàn lớn của Nhà nước), nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì hoạt động, không để gián đoạn nguồn cung, vừa phải bán xăng dầu với giá bán ra thấp hơn giá vốn mua vào theo sự chỉ đạo của Nhà nước vì lợi ích chung, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương", công ty này giải thích.
Đồng thời, công ty này cũng phân trần: "Do giá bán ra thấp hơn giá mua vào, nhiều cửa hàng đại lý trên cả nước bị chiết khấu giá “0 đồng”, nhưng hơn 500 đại lý trong hệ thống của công ty vẫn được chúng tôi tăng chiết khấu từ 200 đồng/lít đến 400 đồng/lít. Hơn nữa, có nhiều địa bàn không thuộc thị phần của công ty bị thiếu hụt nguồn cung, khi biết, chúng tôi đã sẵn sàng chia sẽ lượng xăng dầu của mình (lên đến 50.000 m3) để phục vụ cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của địa phương bạn.
Do đó, việc kinh doanh xăng dầu năm 2022 của công ty bị thua lỗ nặng với số tiền lên đến 236 tỷ đồng (báo cáo tài chính đã được kiểm toán). Trong khoản nợ thuế 1.252,4 tỷ đồng trên, có 286,8 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp phát sinh trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19. Hiện các cơ quan chức năng dự kiến đề xuất xóa khoản chậm nộp này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trường hợp không được miễn giảm thì công ty cũng sẵn sàng trả nợ theo đúng quy định. Còn lại là thuế bảo vệ môi trường: 690,8 tỷ đồng (hiện tại còn 573,3 tỷ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt: 101,2 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng: 148,8 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp: 15,1 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân: 10,1 tỷ đồng.
"Hiện công ty chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp khả thi để hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Nhà nước trong thời gian sớm nhất, chậm nhất là ngày 30/6/2024", công ty này cam kết.
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, nhìn nhận: Việc doanh nghiệp nợ thuế khủng diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa bộc lộ… Chỉ vì chính sách quá lạc hậu, lạc hậu về chi phí lẫn quan điểm điều hành và lạc hậu cả về khả năng lắng nghe nên doanh nghiệp luôn gặp khó khăn, thua lỗ. Từ đó dẫn đến không doanh nghiệp nào mà không nợ thuế.
"Có điều là những doanh nghiệp nhỏ không nợ thuế vì không thể chịu nổi áp lực đòi nợ thuế và phạt của ngành thuế nên họ không nợ thuế mà nợ ngân hàng. Doanh nghiệp luôn luôn vay ngân hàng để hoàn thành nghĩa vụ thuế nên doanh nghiệp nào cũng nợ ngân hàng ngập đầu chứ không nợ thuế. Chỉ mấy doanh nghiệp lớn khi hết lực mới mặc kệ cho tới đâu thì tới", đại diện doanh nghiệp này đánh giá.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế lớn, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, trong số 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, đến nay có khoảng 10 doanh nghiệp nợ tiền thuế bảo vệ môi trường.
Giải thích về số nợ của các doanh nghiệp xăng dầu, ông Mai Sơn cho rằng: Theo Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp tự tính, tự khai và tự nộp theo quy định; cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc kê khai nộp thuế. Với các doanh nghiệp trên, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Với số nợ thuế của doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế kiểm soát chặt chẽ và chỉ đạo các Cục Thuế địa phương thực hiện đúng các quy định trong luật quản lý thuế.
Theo quy định, đối với các khoản nợ đến hạn phải cưỡng chế, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn, cấm xuất cảnh người đại diện pháp luật, kê biên tài sản... Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thuế trần tình: Khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản đối với doanh nghiệp nợ thuế nói chung gặp nhiều khó khăn, ví dụ hầu hết tài sản của doanh nghiệp đã cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.
"Năm 2024, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, ngành Thuế sẽ tập trung phân tích sớm thông tin hoạt động kinh doanh và dữ liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát và các doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật", ông Mai Sơn cho biết.
Theo Lương Bằng/ Vietnamnet