Vì sao nhiều người sập bẫy rút tiền online thẻ tín dụng?

Google News

Chỉ với chiêu trò “rút tiền miễn phí” qua thẻ tín dụng, đã có hơn 7.000 người mất tổng cộng hơn 136 tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh.

Hỗ trợ rút tiền mặt miễn phí?
Ngày 31/7 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh (HCM) khởi tố Hoàng Trọng Vỹ, Trần Văn Xuân cùng 6 người khác về hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TVX Group.
Theo điều tra, tháng 1/2022, Vỹ và Xuân có thông tin những khách hàng được cấp thẻ tín dụng tại các ngân hàng. Họ thuê người đóng giả nhân viên nhà băng, gọi điện đến những khách trên đề nghị "hỗ trợ rút tiền mặt từ hạn mức thẻ được cấp, không mất phí".
Sau khi có được thông tin thẻ, mã bí mật, nhóm này thông qua các trang thương mại trực tuyến, ví điện tử rút tiền. Họ sẽ chuyển cho các nạn nhân một phần tiền để làm tin, trì hoãn việc phát hiện mất tiền, rồi chiếm giữ phần còn lại.
Cơ quan điều tra xác định có hơn 7.000 người đã tin lời nhóm Vỹ và Xuân, thẻ tín dụng bị trừ tổng cộng hơn 136 tỷ đồng. Hai nghi can cầm đầu đã chỉ đạo hoàn lại cho các chủ thẻ 112 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 24 tỷ. Nhà chức trách kêu gọi những cá nhân, tổ chức là nạn nhân của nhóm này đến trình báo.
Vi sao nhieu nguoi sap bay rut tien online the tin dung?
 Công an quận Tân Bình bắt quả tang nhóm người lừa tư vấn, nhận hình ảnh của chủ thẻ tín dụng, tháng 12/2022.
Đây không phải lần đầu cơ quan điều tra phát hiện chiêu chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng. Hồi cuối năm 2022, Công an quận Tân Bình phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt ập vào 3 văn phòng trong các tòa nhà ở quận Tân Bình, tạm giữ 86 người có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông.
Thủ đoạn của nhóm này cũng tương tự nhóm Xuân và Vỹ là giả danh nhân viên đơn vị phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng, gọi điện tư vấn cho chủ thẻ. Lợi dụng việc ngân hàng áp dụng mức phí rất cao đối với chủ thẻ tín dụng khi rút tiền mặt, nhóm này gợi ý hỗ trợ "ngân hàng đang có chính sách giúp khách thoải mái chi tiêu, có thể rút tiền mặt trực tiếp từ thẻ tín dụng mà không mất phí". Để làm điều này, chủ thẻ phải chụp ảnh 2 mặt thẻ tín dụng, kèm số bí mật để thanh toán.
Khi có các thông tin, nhóm này sử dụng phần mềm quẹt thẻ trên một website bán hàng, gửi mã OTP về cho chủ thẻ và yêu cầu cung cấp cho họ. Khi đã có đầy đủ điều kiện, các nghi can vẫn chuyển 75% cho khách nhưng âm thầm chuyển 25% hạn mức thẻ còn lại đi nơi khác để chiếm đoạt.
Khủng hoảng kinh tế, càng dễ “đánh bẫy”
Chị L.T.T, sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội cho hay, khi chị có nhu cầu mở thêm thẻ tín dụng với hạn mức cao, chị đã được một người tên Quân liên hệ, tự nhận là nhân viên của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank). Thậm chí, để chị T. tin tưởng, đối tượng Quân còn cung cấp một dãy số 4 ký hiệu gọi là “mã nhân viên MB Bank”.
Theo đó, Quân hướng dẫn chị T. mở thẻ ATM với app của MB Bank, khi được chị T. thắc mắc về việc đây không phải là thẻ tín dụng, Quân trả lời rằng mở thẻ theo hướng dẫn mới được cấp hạn mức cao và giảm chi phí khi rút tiền qua thẻ. Tin tưởng Quân, chị T. đã mở thẻ và cung cấp các thông tin cần thiết cho đối tượng này qua Zalo.
Sau khi xác nhận chị T. đã mở thẻ thành công, Quân cho hay chị T. cần gửi vào thẻ đó 60 triệu đồng để làm căn cứ chứng minh năng lực trả nợ. Tiếp tục làm theo lời đối tượng, chị T. được yêu cầu cung cấp đoạn mã xác nhận (thực chất là mã OTP) được gửi về điện thoại qua tin nhắn SMS để hoàn tất thủ tục. Ngay sau khi cung cấp mã này, chị T. cảm thấy nghi ngờ và kiểm tra lại tài khoản thì đã bị rút hết 60 triệu đồng.
Mặc dù đã xin đối tượng tên Quân do số tiền trên cũng là vay mượn của bạn bè, nhưng chị T. không thể lấy lại số tiền. Khi liên hệ với ngân hàng MB Bank, chị T. được cho hay giao dịch rút tiền đã được thực hiện theo đúng quy trình.
Thực tế, với tình hình kinh tế khó khăn tại thời điểm này, không ít cá nhân có mong muốn mở thẻ tín dụng hoặc tìm phương án để giảm tải các chi phí phát sinh tối đa có thể, trong đó bao gồm chi phí rút tiền từ thẻ tín dụng. Lợi dụng điều này và sự chủ quan của các chủ thẻ, các đối tượng có thể dễ dàng “thao túng tâm lý” nhằm thực hiện hành vi phạm tội.
Các chủ thẻ cần lưu ý, hầu hết các trường hợp lừa đảo liên quan đến thẻ tín dụng sẽ khó có thể xảy ra trong trường hợp chủ thẻ cảnh giác, đặc biệt là không cung cấp mã OTP cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dù là nhân viên của ngân hàng.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cơ quan này ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo hệ thống các ngân hàng đề nghị hỗ trợ người dùng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng với lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp.
Theo đó, các đối tượng gọi điện, nhắn tin mời chào người dân sử dụng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, với tiêu chí dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp.
Sau khi người dùng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng vật lý hoặc thông tin thẻ bao gồm số thẻ và mã CVV - mã thẻ tín dụng Visa, hình ảnh Chứng minh Nhân dân/căn cước công dân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại nếu cần (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút.
Các chuyên gia Trung tâm VNCERT khuyến nghị, người dùng cần chú ý đến tên miền của đường dẫn và cảnh giác với các trang web khả nghi hoặc liên tục điều hướng. Người dùng cũng nên tránh mua hàng từ những đại lý trái phép hoặc nhấp vào các liên kết đưa ra mức chiết khấu hấp dẫn, bởi đó có thể là dấu hiệu lừa đảo.

Để phòng tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác. Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại bằng chứng là tin nhắn hay ghi âm cuộc gọi và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Cùng với đó, người dân cũng cần cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm.

Minh Châu (t/h)