Vì sao nhà giàu châu Á đổ tiền về Singapore?

Google News

Thông qua các văn phòng gia đình, nhà giàu quốc tế đổ tiền về Singapore - trung tâm tài chính châu Á - để đầu tư, quản lý tài sản, thậm chí lập kế hoạch thừa kế.

Singapore được biết đến là trung tâm tài chính của châu Á, nơi nhiều công ty đặt trụ sở chính, nhà giàu cất giữ tài sản. Trong những năm gần đây, đảo quốc sư tử cũng thu hút một loại hình đầu tư khác thông qua các văn phòng gia đình.

Theo South China Morning Post, từ năm 2017 đến năm 2019, số văn phòng gia đình ở Singapore đã tăng vọt 500%. Nhiều gia đình giàu có muốn tạo văn phòng để quản lý tài sản. Ngoài ra, không ít văn phòng được thành lập bởi các triệu phú và tỷ phú nước ngoài. Họ bị thu hút bởi sự uy tín về tài chính, ưu đãi thuế, môi trường an toàn và hệ thống giáo dục tốt.

Ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Tiền tệ Singapore, ước tính có khoảng 200 văn phòng gia đình tại Singapore, quản lý khoảng 20 tỷ USD.

Hong Kong cũng "trải thảm đỏ" cho các văn phòng gia đình. Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai thành phố mới ban hành hướng dẫn cấp phép đầu tiên hồi tháng 9. Trong vòng 2 tháng, 50 văn phòng đã đăng ký giấy phép.

Vi sao nha giau chau A do tien ve Singapore?

Singapore thu hút nhà giàu châu Á bởi sự uy tín về tài chính và ưu đãi thuế. Ảnh: AP.

Văn phòng gia đình

Ông Lee Woon Shiu tại Ngân hàng tư nhân DBS cho biết các văn phòng gia đình bị thu hút bởi Singapore nhờ tiềm năng phát triển của châu Á. Họ coi đảo quốc sư tử là cửa ngõ của khu vực.

"Các văn phòng gia đình đang tìm kiếm cơ hội đầu tư trên khắp ASEAN, không chỉ trong thị trường tài chính và bất động sản, mà còn là cơ hội làm việc với chủ doanh nghiệp địa phương ở những ngành nghề kinh doanh khác", ông Lee giải thích.

Theo báo cáo của Boston Consulting Group, tài sản của châu Á ngoại trừ Nhật Bản sẽ tăng 5,1-7,4%/năm trong vòng 5 năm tới. Khu vực có thể vượt qua Tây Âu trở thành khu vực giàu thứ hai trên thế giới vào năm 2022.

Văn phòng gia đình là khái niệm không xa lạ ở châu Âu và Mỹ. Tại đó, các gia đình giàu có đã quản lý tài sản qua 10 thế hệ. Tuy nhiên, những văn phòng này còn khá mới ở châu Á, bởi tài sản của các gia đình giàu thường chỉ vài thế hệ. Theo báo cáo được DBS và Economist Intelligence Unit công bố hôm 19/11, 95% tỷ phú ở Trung Quốc là tỷ phú tự thân, nắm giữ tài sản trong vòng 2-3 thập kỷ qua.

Singapore đang tận dụng vị thế trung tâm tài chính khu vực để đưa ra các ưu đãi nhằm thu hút nhiều văn phòng gia đình hơn. Theo Đạo luật Thuế thu nhập của nước này, các phương tiện đầu tư gia đình được miễn thuế đối với một số loại thu nhập nhất định.

Tại Hong Kong, thuế đối với văn phòng gia đình cũng khá thấp. Hồi tháng 8, Hội đồng Lập pháp thành phố thông qua luật cho phép doanh nghiệp thành lập dưới hình thức công ty hợp danh hữu hạn. Đây là hình thức phổ biến của các văn phòng gia đình.

Vi sao nha giau chau A do tien ve Singapore?-Hinh-2

Nhà sáng chế giàu nhất nước Anh James Dyson cũng có văn phòng gia đình tại Singapore. Ảnh: AFP.

PGS. Lawrence Loh tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết sự phát triển của các văn phòng gia đình cũng giúp Singapore củng cố hình trung tâm an toàn tài chính.

“Đối với Singapore, các văn phòng gia đình, nhất là những văn phòng toàn cầu, sẽ mở rộng nguồn vốn có thể đầu tư. Điều đó giúp Singapore giữ vững vị thế trung tâm đầu tư, và quan trọng hơn là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới", ông khẳng định.

Trong số những người thành lập văn phòng gia đình ở Singapore có Zhang Yong và Shu Ping - cặp vợ chồng tỷ phú đứng sau chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao, ông trùm máy hút bụi James Dyson.

Tại Hong Kong, các văn phòng gia đình có doanh nhân tỷ phú Trung Quốc Cheung Chung Kiu - Chủ tịch Công ty bất động sản CC Land. Horizons Ventures của nhà tài phiệt Lý Gia Thành cũng hoạt động như một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ. Tuy nhiên, ngoài những người siêu giàu, hầu hết gia đình đều kín tiếng và giữ kín danh tính.

Điểm sáng

Văn phòng gia đình có hai loại. Văn phòng một gia đình bao gồm các chuyên gia đầu tư, cố vấn thuế và luật sư chỉ làm việc cho một gia đình. Trong khi đó, văn phòng đa gia đình giải quyết những công việc trên của hai gia đình trở lên.

Ông Jaydee Lin tại Văn phòng Gia đình Raffles cho biết văn phòng đa gia đình của ông thích các gia đình có tài sản từ 50-100 triệu USD. "Nó đủ lớn để chúng tôi quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, nếu lớn hơn, họ sẽ tự lập văn phòng riêng", ông tiết lộ. Ban đầu, Văn phòng Gia đình Raffles quản lý tài sản của 4 gia đình Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong. Giờ, họ đang quản lý 6 gia đình trên khắp Hong Kong và Singapore.

Các văn phòng gia đình cho biết ngoài đầu tư, họ cũng hỗ trợ khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác. Ông Goh, làm việc tại Kamet Capital, tiết lộ dịch vụ của công ty cung cấp cả tài xế, trợ lý, quản lý... Bà Veronica Shim, Giám đốc điều hành của Envysion Wealth Management, cho biết không ít văn phòng gia đình còn giúp lập kế hoạch thừa kế.

Báo cáo của DBS và Economist Intelligence Unit dự báo 10-15 năm tới sẽ chứng kiến “sự chuyển dịch tài sản đáng kể giữa các thế hệ". Họ ước tính số của cải dịch chuyển trong thập kỷ tới tại châu Á lên đến 2.000 USD.

Vi sao nha giau chau A do tien ve Singapore?-Hinh-3

Trong số những người thành lập văn phòng gia đình ở Singapore có Zhang Yong và Shu Ping - cặp vợ chồng tỷ phú đứng sau chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao. Ảnh: Reuters.

Theo ông Lin thuộc Văn phòng Gia đình Raffles, các gia đình đang tìm cách quản lý để bảo vệ tài sản và truyền lại cho thế hệ sau mà không xảy ra tranh chấp. "Dù kiếm được bao nhiêu tiền, sẽ chẳng ích gì nếu không giữ được tiền", ông nói.

Ông Lin tiết lộ các gia đình thường tìm kiếm lợi nhuận 5-10%/năm. Khách hàng của ông cũng ưu tiên giữ tài sản. Những khoản đầu tư của họ có xu hướng hướng đến các tài sản ít rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu và quỹ. Những lĩnh vực được ưa chuộng là chăm sóc sức khỏe, môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp.

Ngược lại, ở Kamet Capital, các khách hàng của ông Goh thích những khoản đầu tư mạo hiểm hơn, chẳng hạn công nghệ và hàng tiêu dùng.

Theo SCMP, việc tài sản của nhà giàu châu Á tập trung vào các văn phòng gia đình là tin tốt cho những chuyên gia tài chính. Ông Goh từ Kamet Capital nhận định các văn phòng này là "điểm sáng của lĩnh vực tài chính đang gặp khó khăn". Họ dùng một lượng vốn đáng kể ngay cả khi lĩnh vực này lao đao vì dịch Covid-19.

Chẳng hạn, Văn phòng Gia đình JL vừa mua một nhà phố thương mại trị giá 15,7 triệu SGD (11,6 triệu USD) ngay cả khi nhiều doanh nghiệp đang tận dụng chương trình giãn nợ để hoãn thanh toán các khoản vay thế chấp.

Lĩnh vực này cũng hấp dẫn đối với các chuyên gia tài chính, những người phải đối mặt với triển vọng việc làm sụt giảm vì nền kinh tế lao dốc. "Làm việc với các doanh nhân thành công, bạn sẽ được giao nhiệm vụ phức tạp. Bạn cũng có cơ hội tiếp xúc với những người nổi tiếng và quan trọng", ông Goh tiết lộ.

Trên thực tế, loại hình văn phòng gia đình không phổ biến ở Malaysia, Indonesia hay Thái Lan. Theo South China Morning Post, Singapore cũng nhận được hiệu ứng lan tỏa từ xu hướng này.

Ngoài vài trăm người làm việc trực tiếp trong các văn phòng gia đình, những việc làm gián tiếp cũng được tạo ra khi các chuyên gia tài chính, thuế và pháp lý bên ngoài tham gia tư vấn để lập kế hoạch tài sản, kế hoạch hoạt động...

Theo Thảo Cao/ Zing