Ngày 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức hội thảo "Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt”.
Tại chương trình, ông Asbjorn Warvik Rortveit - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng thủy sản Na Uy (NSC) chia sẻ lý do khiến nước này trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 thế giới và len lỏi vào khắp các thị trường.
Theo ông Asbjorn Warvik Rortveit, năm 2022 là năm tốt nhất từ trước đến nay của thủy sản Na Uy khi nước này xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị 14,5 tỷ USD. Trong giá trị xuất khẩu, cá hồi Na Uy chiếm lượng lớn với mức giá trung bình khoảng 10 USD/kg. Theo khảo sát, giá bán mặt hàng này tại thị trường Việt Nam là 30 USD/kg.
“Nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán gấp 3 lần giá nhập khẩu và người Việt sẵn sàng trả mức giá đó để mua thủy sản Na Uy”, ông Asbjorn Warvik Rortveit nói.
|
Ông Asbjorn Warvik Rortveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Thủy sản Na Uy.
|
Theo vị này, sở dĩ thủy sản của Na Uy xây dựng được giá trị lớn do ngành chú trọng đến tính bền vững, đề cao chất lượng và an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi không cần nhất thiết phải đẩy sản lượng mà tập trung vào chất lượng và tăng giá trị bằng việc xây dựng chuỗi liên kết. Ngành thủy sản Na Uy cũng đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển để cải tiến quy trình sản xuất, chất lượng và thương hiệu sản phẩm”, ông Asbjorn Warvik Rortveit chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Công ty đầu tư thủy sản Nam Miền Trung - cho rằng, sự thành công của cá hồi Na Uy là bài học cho ngành thủy sản Việt Nam.
“Có phải do họ có tiêu chuẩn, có tiêu chí, có chất lượng sản phẩm rõ ràng nên tự tin đưa sản phẩm của mình ra thế giới, đặc biệt ngay trên chính thị trường Việt Nam, nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới”, ông Hoàng Anh đặt câu hỏi.
Với ngành tôm, ông Hoàng Anh cho rằng từ hơn 10 năm chỉ loay hoay ở con số 3-4 tỷ USD nên hầu như đến nay người dân và doanh nghiệp không có lợi nhuận, giá trị gia tăng hiện cũng rất thấp.
Theo đại diện Công ty thủy sản Nam Miền Trung, để nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam, trước hết cần phải có lòng tin và xây dựng cấu trúc ngành hàng một cách bền vững, chắc chắn. Đặc biệt, ngành thủy sản phải đảm bảo được sự ổn định về chất lượng và số lượng. Từng đơn vị trong mắt xích phải có tiêu chí rõ ràng, và công bố công khai để doanh nghiệp và người dân sản xuất đồng bộ.
Theo Dương Hưng/Tiền Phong