Vì sao hàng Trung Quốc ship về Việt Nam nhanh hơn nội địa?

Google News

Vì sao hàng Trung Quốc ship về Việt Nam nhanh hơn nội địa? bởi các tổng kho giga sát biên cùng hệ thống logistics phát triển giúp hàng hóa TMĐT Trung Quốc chuyển về Việt Nam với thời gian ngày càng ngắn và chi phí ngày càng rẻ.

Thay vì tìm mua các sản phẩm trong nước, vài tháng trở lại đây, chị Phương Trang (26 tuổi, Hà Nội) dần chuyển sang lựa chọn gian hàng Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Ngoài sự đa dạng về mẫu mã, người dùng này cho biết hàng hóa đặt trực tiếp từ người bán Trung Quốc được giao tương đối nhanh, dao động 3-5 ngày. Mặt khác, chi phí vận chuyển lại thấp hơn nhiều so với việc đặt qua các shop trong nước.
“Một đơn hàng quần áo trẻ em giao từ Thâm Quyến (Trung Quốc) về Hà Nội chưa đến 5 ngày, ngang với thời gian ship từ TP.HCM ra. Tôi cũng chỉ phải trả 15.000 đồng phí vận chuyển cho đơn hàng xuyên biên giới này”, chị Trang chia sẻ.
Hệ thống logistics hoàn thiện
Lý giải năng lực vận chuyển hàng hóa TMĐT từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhanh, ông K.T (đề nghị giấu tên), chuyên gia trong ngành fulfillment (thực hiện đơn hàng), cho biết dù chưa hoàn hảo nhưng hệ thống logistics tại Trung Quốc khá hoàn thiện và được cải tiến từng ngày.
Trong đó, sự phát triển chóng mặt của logistics Trung Quốc là nhờ chính sách đồng bộ của cơ quan quản lý trong việc định hình, phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng. Khả năng hỗ trợ từ chính phủ và sự liên kết giữa các hiệp hội sản xuất, vận tải cũng đem lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho các đơn vị TMĐT xuyên biên giới.
Theo vị này, sau khi tiếp nhận đơn đặt hàng, chủ shop sẽ tiến hành sắp xếp và giao cho đơn vị logistics. Nếu hàng hóa lưu kho sẵn tại các trung tâm xử lý (fulfillment center), thời gian chuẩn bị đơn hàng còn được rút ngắn thêm đáng kể.
Vi sao hang Trung Quoc ship ve Viet Nam nhanh hon noi dia?
Hàng hóa đặt trong các trung tâm xử lý được đóng gói, vận chuyển nhanh chóng về cửa khẩu. Ảnh: Xinhua. 
Việc vận chuyển hàng hóa từ nội địa Trung Quốc đến cửa khẩu là quá trình tiêu tốn nhiều thời gian nhất, thường mất 1-3 ngày. Với cung đường dài 1.000 km xuất phát từ Thâm Quyến, thời gian còn có thể bị kéo dài do đơn hàng phải đi qua 1-2 kho trung chuyển.
Sau khi đến cửa khẩu, hàng hóa sẽ được truyền tải, làm thủ tục hải quan và đưa qua biên giới Việt Nam. Khâu vận chuyển còn lại đến tay người mua hàng sẽ do các công ty giao vận trong nước điều phối.
Ông K.T cho biết hải quan Việt Nam và các đơn vị logistics trong nước giải quyết 50% nghiệp vụ trong chuỗi xử lý đơn hàng xuyên biên giới trên. Trong đó, quy trình thông quan là khâu khó kiểm soát thời gian nhất.
“Khi đơn hàng được xuất kho trung chuyển, sàn TMĐT sẽ đẩy thông tin kê khai sang cổng thông tin điện tử hải quan Trung Quốc và hệ thống thông tin của đơn vị logistics tại Việt Nam để chuẩn bị sẵn tờ khai”, vị chuyên gia giải thích quá trình thông quan tại hải quan Việt Nam với hàng TMĐT diễn ra khá nhanh do không thuộc danh mục cấm hay cần kiểm soát.
Về phí ship xuyên biên giới ngày càng rẻ, vị chuyên gia cho biết mức phí vận chuyển với các đơn hàng TMĐT xuyên biên giới là chi phí người dùng trả cho sàn chứ không phản ánh chi phí chính xác cho hoạt động vận chuyển hàng hóa. Thực tế, chi phí vận chuyển thấp là nhờ ngân sách trợ giá từ sàn TMĐT cũng như sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà bán hàng Trung Quốc hiện nay phải trả xấp xỉ 80.000 đồng phí vận chuyển, chưa bao gồm phí sàn, cho mỗi kg hàng hóa tới các quốc gia Đông Nam Á.
Lợi thế từ các tổng kho TMĐT sát biên
Đánh giá về hệ thống logistics tại Trung Quốc, ông Trần Anh Dũng - nhà sáng lập Vân Nam Express với 8 năm kinh doanh bán buôn và 5 năm vận chuyển hàng Trung Quốc - cho biết để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng vận chuyển gồm đường bộ, đường sắt và đường hàng không suốt nhiều năm.
Theo số liệu từ CEIC Data, tính đến năm 2022, quốc gia tỷ dân đã xây dựng 177 triệu km cao tốc, tăng 84% so với 10 năm trước. Thống kê của SCMP cũng cho thấy Trung Quốc đang sở hữu hệ thống đường sắt lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên tới 42.000 km, tăng gấp 62 lần năm 2008.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển TMĐT xuyên biên giới, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích và hỗ trợ một loạt địa phương, doanh nghiệp xây dựng các tổng kho giga sát biên giới Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, tập trung tại 4 địa phương là Hà Khẩu, Bằng Tường, Đông Hưng và Quảng Châu.
Theo đó, hàng hoá sẽ được các nhà cung cấp chuyển về đây để xử lý, hoàn thành các khâu fulfillment và xuất đi với thời gian ngắn nhất.
Thậm chí, các tổng kho này còn phát triển thành mô hình All in one (tất cả trong một), bao gồm cả khâu bán hàng livestream do người Trung Quốc biết tiếng bản địa đảm nhiệm hoặc người bản địa làm việc trực tiếp tại kho.
Vi sao hang Trung Quoc ship ve Viet Nam nhanh hon noi dia?-Hinh-2
 
Nhà sáng lập Vân Nam Express cho biết TMĐT tại Trung Quốc đã rục rịch nổi lên từ những năm 2000. Do đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực logistics nội địa như STO, ShunFeng hay ZhongToong có nhiều cơ hội tích lũy kinh nghiệm cũng như tập trung đầu tư nghiên cứu vào công nghệ tự động hoá nhằm tối ưu thời gian xử lý đơn hàng.
Ngoài ra, việc 2 nước ký kết các thỏa thuận thương mại và hải quan cũng phần nào giảm bớt thủ tục không cần thiết và tiết kiệm thời gian thông quan hàng hóa.
“Để tạo điều kiện giao thương giữa 2 nước, hàng hóa TMĐT xuyên biên giới sẽ được xử lý theo line riêng. Tuy nhiên, hải quan 2 nước vẫn tuân thủ đầy đủ yêu cầu với hàng hóa xuất nhập khẩu. Một số mặt hàng sẽ không được thông quan nếu nằm trong danh mục cấm hoặc không thuộc danh sách hàng hoá TMĐT”, ông Dũng chia sẻ.
Vi sao hang Trung Quoc ship ve Viet Nam nhanh hon noi dia?-Hinh-3
Robot được đưa vào sử dụng tại các kho chia chọn ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. 
Để phát triển TMĐT xuyên biên giới, ông Dũng cho biết Trung Quốc không những sở hữu hệ thống giao thông vượt trội mà còn phát triển đồng đều, kết nối với các đặc khu sản xuất, thương mại và dịch vụ. Việc áp dụng công nghệ tự động hóa kho hàng cũng thúc đẩy quy trình chia chọn nhanh chóng và chính xác hơn.
“Trong một dịp tham quan kho fulfillment tại Trịnh Châu, tôi chứng kiến khâu đóng gói hàng hoá của nhân công được tối ưu từng chi tiết nhỏ để đạt tốc độ nhanh nhất. Khâu làm việc này khó có thể thay thế bằng máy móc vì phụ thuộc đặc thù từng đơn hàng, kích thước sản phẩm và hộp đóng hàng”, ông Dũng giải thích thêm.
Theo ông K.T, người Trung Quốc thậm chí tận dụng triệt để các trung tâm thương mại bỏ hoang được đấu nối trực tiếp với tuyến vận tải chính để làm kho hàng, kho trung truyển. Chi phí thuê kho bãi tại Trung Quốc cũng rẻ hơn Việt Nam 20-30%, qua đó giúp người bán tiết kiệm thêm nhiều chi phí và ổn định giá vận chuyển.
Theo Minh Khánh/Znews