Các cường quốc thế giới đang nợ bao nhiêu tiền?
Nước Mỹ luôn là quốc gia dẫn đầu trong hầu hết các lĩnh vực, kể cả là nợ nần. Số liệu được Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) công bố hồi tháng Tư cho thấy, tổng số nợ trên tất cả mọi lĩnh vực của Mỹ hiện nay đang cao gấp 350% tổng GDP của chính họ.
Đối với nợ trái phiếu, nước Mỹ đang gánh trên vai 1 nghìn tỷ USD được vay mượn của các quốc gia khác trên thế giới. Số nợ này đã gấp đôi chỉ trong vòng 30 năm. Và Thời báo Tài chính (Financial Times) nhận định, nó thực sự nguy hiểm cho nước Mỹ.
Không chỉ có nước Mỹ nợ nần. Bức tranh màu xám này đang bao phủ toàn cầu. Càng những nước mạnh, số nợ càng lớn. Châu Âu gặp nguy với tiền nợ, còn châu Á đang ngày càng trở nên ham hố nợ nần hơn. Tại các nước như Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Bỉ, nợ quốc gia luôn vượt qua con số 100% GDP quốc gia. Tháng 3/2017, tổng số nợ của Nhật Bản và châu Âu cộng lại là 10 nghìn tỷ USD.
Tại nền kinh tế đáng chú ý nhất thế giới hiện nay - Trung Quốc, tổng số nợ quốc gia được tính theo Đồng hồ chỉ số nợ thế giới ( nationaldebtclocks.org, số liệu do các chính phủ của các nền kinh tế cung cấp) đến ngày 15/6 là hơn 10 nghìn tỷ USD, tương đương 93% GDP quốc gia. Quốc gia láng giềng của họ là Nhật Bản có tổng số nợ lên tới 220% GDP của đất nước.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước lại nợ nần nhiều đến như vậy? Liệu họ có đủ khả năng để trả nợ hay không? Sẽ ra sao nếu không thể trả nợ đúng hạn?
Vì sao thế giới thích đi vay?
Nợ là “không khí cần cho sự sống của thương mại hiện đại”. Những lời này được Daniel Webster, một thượng nghị sĩ Mỹ phát biểu vào năm 1834 khi thị trường trái phiếu của Mỹ vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Sau gần 2 thế kỷ, thế giới đang sắp tê liệt vì nợ nần. Các khoản vay của các hộ gia đình, các chính phủ, các doanh nghiệp và các công ty tài chính tăng từ 246% GDP năm 2000 lên 286% hiện nay. Và đặc biệt, càng nước mạnh, số nợ so với GDP càng tăng.
Trong một bài báo xuất bản vào tháng 5/2015, tạp chí Economist đã đưa ra 2 lý giải cho việc vì sao các nước lại "nghiện" đi vay đến vậy. Theo đó, lý do đầu tiên là hệ thống thuế tạo ra những đặc quyền cho những người vay nợ. Các khoản trả lãi vay thế chấp được khấu trừ thuế ở gần một nửa các nước giàu có và một vài quốc gia mới nổi, ví dụ như Ấn Độ. Và trên khắp thế giới, các công ty có thể khấu trừ chi phí lãi vay khỏi lợi nhuận chịu thuế. Điều này tạo động lực cho việc phát hành nợ thông qua trái phiếu. Công ty hay quốc gia đều muốn phát hành trái phiếu, thay vì phát hành cổ phiếu. Dù có tính linh hoạt cao hơn, chỉ có 1/4 tổng tài sản của thế giới nằm ở dạng cổ phiếu.
Từ lợi ích thứ nhất dẫn đến lý do thứ hai khiến các quốc gia thích đi vay, họ tin rằng sự an toàn của các khoản thanh toán cố định mà trái phiếu mang lại. Financial Times thậm chí còn so sánh trái phiếu với chiếc áo ngực của phụ nữ, bởi nó "che đi sự lồi lõm của tự nhiên". Khi số nợ thông qua trái phiếu ổn định, họ đem số tiền đó đi đầu tư vào các tài sản, đặc biệt là bất động sản với kỳ vọng sinh lời cao. Có thể nhìn thấy kịch bản chết vì bất động sản trong cuộc Đại suy thoái 2008 - cuộc khủng hoảng dây chuyền bắt đầu từ sự sụp đổ của 2 ngân hàng cho vay mua bất động sản lớn nhất nước Mỹ.
Bản chất của thuế và trái phiếu nói trên đã bị cả thế giới lầm tưởng và phóng đại do 3 xu hướng mạnh mẽ đang diễn ra.
Đầu tiên, các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc đã tích lũy những khoản dự trữ ngoại tệ lớn vốn phải được đầu tư ra nước ngoài. Họ ưa chuộng trái phiếu hơn mang tiền đi đầu tư bởi vì mua quá nhiều cổ phiếu ở các công ty nước ngoài có thể gây nên tranh cãi. Khoảng 75% sự gia tăng sở hữu của người nước ngoài đối với chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 2004- 2008 là nằm ở dạng trái phiếu, chủ yếu là thế chấp và chứng khoán doanh nghiệp.
Thứ hai, sự bất bình đẳng làm gia tăng nợ nần. Người giàu quay vòng tiền dư bằng cách đưa nó vào hệ thống tài chính. Những người cần vốn thì thường nghèo. Và nợ là cách duy nhất để rót tiền cho họ – bạn không thể mua cổ phiếu của một hộ gia đình “dưới chuẩn”.
Chất xúc tác thứ ba là ngành tài chính. Động lực của nó là tạo ra các khoản nợ cho người khác nhằm sinh ra các khoản phí. Các khoản đảm bảo lớn đến mức không thể sụp đổ cũng tạo cho các ngân hàng một động lực để vay nợ trên bảng cân đối kế toán của mình.
Cả thế giới sẽ cùng vỡ nợ?
Trị trường vay nợ thế giới đang gia tăng. Mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng không dừng lại chỉ ở mức giảm của lượng nợ tuyệt đối. Ít nhất có ba vấn đề đang làm cho tình hình ngày càng trở nên gay go.
Thứ nhất, món hàng “nợ” đang ngày càng trở nên đắt đỏ, biểu hiện thông qua việc 3 lần Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong năm nay, việc đồng USD đang mạnh lên và việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm của 24 quốc gia do lo ngại các nước này mất khả năng trả nợ.
Thứ hai, khả năng trả nợ kém dần đi do các quốc gia sản xuất đang ngày càng hao hụt lợi nhuận vì giá cả thấp. Đặc biệt, các nước làm ăn với Trung Quốc - công xưởng lớn nhất thế giới - luôn rơi vào trạng thái căng thẳng do lo ngại triển vọng kinh tế của quốc gia này đang ngày càng yếu ớt.
Cuối cùng, dự báo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF không mấy khả quan về khả năng thanh toán nợ trong bức tranh toàn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay. Dự báo đã thực sự quan ngại liệu các khoản nợ tồn đọng sẽ được giải quyết hay vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Các biện pháp ngắn hạn không thể giúp thoát nợ bền vững. Chỉ có sự tăng trưởng của quốc gia mới có thể giúp nước đó thoát khỏi nợ nần mà không gặp rắc rối. Nếu kinh tế thế giới không tăng trưởng, chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ khắp toàn cầu.
Theo Phan Sương/Infonet