Từ cuối năm ngoái đến nay, việc các doanh nghiệp mua lại trước hạn trái phiếu không có gì lạ kể từ khi nhiều đợt phát hành trái phiếu không đảm bảo đủ điều kiện phát hành, cũng như không tuân thủ đúng mục đích sử dụng vốn theo phương án đề ra ban đầu. Tuy nhiên, việc nhóm ngân hàng từ đầu năm đến nay đẩy mạnh mua lại trái phiếu có lẽ khiến không ít người ngạc nhiên.
Câu hỏi đặt ra là liệu có gì mâu thuẫn khi ngân hàng cần vốn trung dài hạn và phải huy động vốn bằng trái phiếu, nhưng lại cũng dư dả nhiều tiền để mua trái phiếu như vậy?
“Đua nhau” mua lại trái phiếu trước hạn
Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm ngày 2/6/2023, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng; dẫn đầu là nhóm bất động sản với 101.179 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lên đến gần 52%, xếp sau là nhóm ngân hàng với 31.661 tỷ đồng.
Trong hai ngày 11 - 12/6, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) đã mua lại toàn bộ 600 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của mã HDBL2128003, được phát hành ngày 11/6/2021 với thời hạn 7 năm nhằm tăng nguồn vốn cấp 2 dài hạn, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng của HDBank.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. HDBL2128003 có tổng giá trị theo mệnh giá 600 tỷ đồng, được mua trọn bởi 1 tổ chức tín dụng, 1 công ty chứng khoán và 3 công ty bảo hiểm, dưới sự thu xếp của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
Trước đó, vào ngày 26/5 và 2/6, HDBank cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 400 tỷ đồng và 500 tỷ đồng của các mã HDBL2128001 và HDBL2128002. Cả 2 lô trái phiếu có thời hạn 7 năm và đều được phát hành vào giữa năm 2021.
|
Vì sao các ngân hàng đua nhau mua lại trái phiếu trước hạn? (ảnh minh họa: Internet). |
Mới đây nhất, vào ngày 12/6, HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có nghị quyết về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4 năm 2022. Ngân hàng này sẽ mua lại 4 lô trái phiếu mã ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá mua lại tối đa là 10.000 tỷ đồng. Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Đối với lô ACBH2124005: ngày phát hành là 22/6/2021 và ngày đáo hạn là 22/6/2023. Lô ACBH2124006: ngày phát hành là 23/6/2021 và ngày đáo hạn là 23/6/2023. Tổng mệnh giá phát hành tối đa là 2.500 tỷ đồng, tương ứng mỗi trái phiếu có mệnh giá là 1 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm. Hai lô trái phiếu còn lại mã ACBH2124011 và ACBH2124012 sẽ được thanh toán vào ngày 8/7/2023 và 15/7/2023. Giá mua lại trái phiếu bằng 100% tổng mệnh giá phát hành.
Nguồn mua lại được ACB sử dụng từ nguồn thu các khoản cho vay VNĐ trung và dài hạn hoặc các nguồn cho vay, đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu trước hạn.
Ngày 7/6, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng thông báo đã thực hiện mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng mã trái phiếu MSBL2124003 được phát hành ngày 7/6/2021 và đáo hạn ngày 7/6/2024.
Trước đó, vào hai ngày 5 và 8/6/2023, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng chi tiền ra mua lại toàn bộ 250 tỷ đồng trái phiếu của hai mã BVBL2229002 được phát hành ngày 4/3/2022, đáo hạn 4/3/2029 và mã BVBL2229003 phát hành ngày 8/3/2022, đáo hạn ngày 8/3/2029.
Ngân hàng nhắm đến điều gì?
Ngày 23/4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, theo đó ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Cụ thể, kể từ ngày Thông tư số 03/2023/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 24/4/2023) đến hết ngày 31/12/2023, TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi đáp ứng một số điều kiện tại thông tư này.
Theo đó, các ngân hàng ngoài việc mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp mà mình đã tư vấn, bảo lãnh phát hành hay phân phối đến nhà đầu tư, cũng có thể lựa chọn tự mua lại trái phiếu của chính mình đã phát hành nếu đảm bảo đủ điều kiện và thỏa thuận được với trái chủ, hoặc trong quy định phát hành trước đây có kèm điều khoản được mua lại.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, quy định trên giúp hỗ trợ một phần thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Tổ chức tín dụng tham gia mua TPDN sẽ giảm phần nào áp lực trái phiếu đáo hạn trong năm 2023. Các ngân hàng đang là trái chủ lớn nhất, ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ TPDN đang lưu hành. Rõ ràng với việc giải ngân vốn đầu ra chưa như kỳ vọng, nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế vẫn rất thấp, tình trạng thừa tiền kéo dài, các ngân hàng phải mua lại trái phiếu để giảm mức độ thừa vốn và tối ưu hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã tăng vốn ồ ạt thành công trong thời gian gần đây, cũng như có kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ khủng trong năm nay, giúp tăng hệ số an toàn vốn cũng như cải thiện cơ cấu nguồn vốn kinh doanh dài hạn. Do đó, việc này cũng sẽ giúp các tổ chức này giảm bớt mức độ phụ thuộc vốn ở kênh trái phiếu. Cho nên, mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành được đánh giá là chiến lược phù hợp.
Điều quan trọng hơn là theo quy định hiện nay, vốn tự có cấp 2 (chủ yếu là từ nguồn phát hành trái phiếu dài hạn có kỳ hạn trên 5 năm) tối đa bằng vốn tự có cấp 1 (chủ yếu gồm vốn điều lệ, các quỹ dự trữ và lợi nhuận chưa phân phối). Do đó, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.
Trước quy định trên, các ngân hàng sẽ tìm cách mua lại trước hạn các trái phiếu này để có dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm trong thời gian tới, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn. Nói cách khác, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Thực tế, bên cạnh những đợt mua lại trước hạn, vẫn có những ngân hàng lên kế hoạch tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu này, dù thị trường TPDN vẫn đang gặp không ít khó khăn. Với chủ thể là các ngân hàng có hiệu quả kinh doanh ổn định, các nhà đầu tư vẫn có đủ sự tin tưởng để mua trái phiếu ngân hàng với lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Trong một diễn biến khác, mới đây Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 trực tuyến với địa phương, trong đó đã yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường TPDN, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023. Hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường TPDN năm 2022 - 2023, đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ.
Gần 25.600 tỷ đồng là lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được các doanh nghiệp mua lại trong tháng 5/2023, trong đó nhóm ngân hàng chiếm đa số với hơn 17.000 tỷ đồng, tương đương 66% lượng mua lại, theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố mới đây. Tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 76.500 tỷ đồng, tăng vọt 70,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm ngày 2/6/2023, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 là 195.090 tỷ đồng; dẫn đầu là nhóm bất động sản với 101.179 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lên đến gần 52%, xếp sau là nhóm ngân hàng với 31.661 tỷ đồng. Việc các ngân hàng phải chi ra hàng ngàn tỷ đồng để mua lại lượng lớn trái phiếu đã phát hành cũng có thể là một nguyên nhân khiến nguồn vốn được cho vay ra thị trường hiện nay khá chậm.
Liên Hà Thái (tổng hợp)