Vì sao 7-Eleven, Zara, H&M, McDonald "ngại" ra Bắc?

Google News

Những năm gần đây đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam của nhiều chuỗi bán lẻ, dịch vụ, đồ ăn uống đến từ các thương hiệu lớn...

 Cửa hàng có vị trí "kim cương" của McDonald's sẽ đóng vai trò quảng bá hiện diện cũng như thăm dò thị trường Hà Nội. Ảnh: McDonald's.
Trong 3 năm trở lại đây, hàng loạt các chuỗi bán lẻ lớn trên thế giới như 7-Eleven, McDonald, Zara,H&M ... đã đánh dấu hiện diện bằng những cửa hàng đầu tiên của mình tại Việt Nam.
Có một điểm chung của những chuỗi này là điểm dừng chân đầu tiên tại TP.HCM, không một chuỗi lớn nào lựa chọn ra mắt tại Hà Nội trước. Thậm chí, có chuỗi chia sẻ phải 3,4 năm sau khi mở tại TP.HCM mới tính chuyện ra Bắc.
TP.HCM liên tiếp đón chuỗi ngoại
Đầu tháng 2/2014, gã khổng lồ đồ ăn nhanh McDonald's khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại Việt Nam. Chậm chân hơn nhiều đối thủ cạnh tranh khi thị trường đồ ăn nhanh Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa, McDonald's được cho là sẽ có chiến lược riêng, và cửa hàng đầu tiên của hãng được lựa chọn mở tại TP.HCM.
Trong 3 năm, McDonald's không phát triển ồ ạt như cách KFC hay Lotteria đã làm trước đây, nhưng cũng có 16 cửa hàng trải khắp thành phố, nơi tập trung nhóm khách hàng mà chuỗi này hướng tới.
McDonald's cũng đem tới thị trường Việt Nam nhiều sản phẩm mang tính địa phương, như cơm, bên cạnh những sản phẩm làm nên tên tuổi của hãng, một động thái mà các chuỗi như KFC hay Lotteria từng áp dụng.
Trước đó, vào đầu năm 2013, Starbucks cũng đến TP.HCM trong sự háo hức chờ đón của giới trẻ. Đến nay, chuỗi cà phê đến từ Mỹ này đã có 22 cửa hàng từ nội thành đến ngoại thành.
Tới giữa năm 2017, TP.HCM đón thêm 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện dụng lớn nhất thế giới đến từ Nhật Bản. Sự kiện ra mắt đã thu hút rất đông khách mua sắm xếp hàng dài trước cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này tại một trung tâm thương mại ở quận 1.
Chỉ trong khoảng 5 tháng, 7-Eleven đã có 10 cửa hàng tại nhiều quận như quận 1, 2, 3, 7, Bình Thạnh.
Không chỉ các chuỗi hàng ăn hay cửa hàng tiện dụng để mắt tới thị trường TP.HCM, hai hãng thời trang nhanh nổi tiếng thế giới là H&M và Zara cũng nối tiếp nhau mở cửa hàng đầu tiên tại đô thị hơn 8 triệu dân này.
Tháng 9/2016, Zara mở cửa hàng tại TP.HCM, đánh dấu sự có mặt tại thị trường Việt Nam. Hãng thời trang đến từ Tây Ban Nha cũng cho biết đã chính thức bán hàng online tại Việt Nam.
Tới tháng 9/2017, cửa hàng đầu tiên của H&M ở Việt Nam được mở tại quận 1 TP.HCM. Việt Nam là thị trường thứ 68 của thương hiệu thời trang nổi tiếng này.
Dường như đã thành công thức chung, rất nhiều các chuỗi lớn đều không chọn Hà Nội là điểm đặt chân đầu tiên khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực F&B, TP.HCM có những ưu điểm vượt trội về quy mô thị trường và thói quen tiêu dùng khiến đây trở thành một địa chỉ an toàn hơn rất nhiều cho các hãng so với thị trường Hà Nội.
Hà Nội luôn là lựa chọn số 2
Phải mất 3 năm và ổn định kinh doanh 16 cửa hàng trước đó, đến cửa hàng thứ 17 mới là dấu chân đầu tiên McDonald's tiến ra thị trường Hà Nội.
 Rất nhiều chuỗi ngoại lớn chọn quận 1, TP.HCM làm nơi mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Lê Quân.
Lựa chọn vị trí "kim cương" với hai mặt đường tại khu vực Bờ Hồ, một mặt nhìn ra Hàng Bài đối diện Tràng Tiền Plaza, mặt còn lại nhìn ra Hồ Hoàn Kiếm, có lẽ khó có một mặt bằng nào tốt hơn tại Hà Nội để McDonald's quảng bá hiện diện, cũng như thăm dò nhu cầu của thị trường Hà Nội.
Nếu nhìn vào chiến lược của những ông lớn đi trước như Starbucks, lựa chọn của McDonald's không khiến dân trong giới bất ngờ. Chuỗi cà phê nổi tiếng gia nhập thị trường Việt Nam và cửa hàng đầu tiên có địa điểm không hề khó đoán, quận 1 TP.HCM.
Nhưng nhanh hơn McDonald, Stackbucks mất thêm một năm để ra mắt thị trường Hà Nội. Hiện tỷ lệ cửa hàng của chuỗi tại hai thành phố là 9/22, với số cửa hàng tại TP.HCM hơn gấp đôi tại Hà Nội.
Một năm cũng là khoảng thời gian để Zara chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, trong khi H&M mất khoảng 2 tháng. Do không có kế hoạch chính thức từ hãng nên nhiều tín đồ thời trang Hà Nội đã phải đặt hàng trực tuyến trước khi được trực tiếp mua sắm tại cửa hàng của hai hãng.
Với 7-Eleven, chuỗi này hiện chưa có cửa hàng nào tại Hà Nội, cũng như không tiết lộ thông tin nào về kế hoạch Bắc tiến, dù các đối thủ lớn là Vinmart+ hay Circle K đã hoạt động rất mạnh tại thị trường này.
Việc khách hàng Hà Nội chờ trải nghiệm 7-Eleven hay McDonald's sau TP.HCM có lẽ sẽ còn lặp lại nhiều lần trong tương lai, khi TP.HCM vẫn là thị trường thử nghiệm yêu thích của các chuỗi lớn.
Theo Ngô Minh/Zing