Mới đây, Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã: BMP) vừa công bố thông tin bất thường lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) về việc bị Tổng Cục thuế xử phạt và truy thu thuế, tổng số tiền hơn 8,66 tỷ đồng.
Cụ thể, Nhựa Bình Minh sẽ phải nộp hơn 1,2 tỷ đồng do khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp và gần 121 triệu đồng do khai sai không dẫn đến thiếu số thuế giá trị gia tăng phải nộp (có áp dụng tình tiết tăng nặng do vi phạm nhiều lần).
Ngoài ra, Nhựa Bình Minh phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, công ty bị buộc nộp đủ số tiền thuế truy thu do kê khai sai là hơn 6 tỷ đồng (trong đó, năm 2020 là gần 4,2 tỷ đồng, năm 2021 là 662 triệu đồng và năm 2022 là 1,22 tỷ đồng); đồng thời, Nhựa Bình Minh phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế gần 1,3 tỷ đồng.
Mặt khác, Nhựa Bình Minh bị giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ tính thuế tháng 12/2022 là hơn 179 triệu đồng.
Về “sức khỏe” tài chính, Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp sáng nhất ngành nhựa trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh ghi nhận đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, giá vốn còn giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp tăng 46,8% lên 572,7 tỷ đồng.
Công ty báo cáo 294,6 tỷ đồng lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, gấp hai lần so với thực hiện năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục doanh nghiệp đạt được trong một quý.
|
Vi phạm nhiều lần, bị phạt thuế nặng, doanh thu Nhựa Bình Minh thế nào? (ảnh: Internet). |
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.776 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí vốn giảm, nên công ty báo lãi ròng 575,4 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Nhựa Bình Minh đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 6.357 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 651 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Nhựa Bình Minh đã hoàn thành 88% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.526 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 60% tài sản, tương đương 2.052 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 449 tỷ đồng, giảm 22%.
Đến cuối quý II/2023, tổng nợ phải trả của Nhựa Bình Minh là 770,1 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng chỉ có "vỏn vẹn" 55 tỷ đồng nợ vay tài chính với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 2.756 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 818 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 733 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9, giá cổ phiếu BMP của Công ty CP Nhựa Bình Minh giảm sâu 2.400 đồng/cổ phiếu, còn 88.500 đồng/cổ phiếu.
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Nhựa Bình Minh có tiền thân là Nhà máy Công tư hợp doanh Nhựa Bình Minh, được thành lập ngày 16/11/1977 theo mô hình công tư hợp doanh trên cơ sở sáp nhập Công ty Ống Nhựa Hóa Học Việt Nam (KEPIVI) và Công ty Nhựa Kiều Tinh. Tại thời điểm này, Nhà máy trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.
Từ giai đoạn 1986 – 1990, công ty đổi tên thành Xí nghiệp Khoa học Sản xuất Nhựa Bình Minh, đến năm 1994 đổi tên thành Công ty Nhựa Bình Minh. Sau cổ phần hóa, công ty chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh từ ngày 2/1/2004.
Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp trong nước, vốn đã được cổ đông lớn nắm quyền chi phối với tỷ lệ nắm giữ 55% vốn điều lệ là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd – một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan.
Doanh nghiệp đến từ Thái Lan này trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 sau khi chi ra khoảng 243 tỷ đồng mua vào 5,85 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ 16,72% vốn thời điểm đó. “Đại gia” Thái Lan thực sự gây chú ý khi “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Với giá trúng bình quân bằng giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu, ước tính The Nawaplastic đã chi ra khoảng 2.300 tỷ đồng cho thương vụ trên.
Liên Hà Thái