Trong Báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo thị trường khó cân bằng trong ngắn hạn khi những yếu tố rủi ro vẫn chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, việc định giá của VN-Index giảm về mức thấp trong nhiều năm là cơ hội hấp dẫn để mua và nắm giữ dài hạn.
VDSD đánh giá rủi ro thông tin và áp lực thanh khoản của thị trường vốn đã khiến thị trường chứng khoán tháng 10 diễn biến tiêu cực.
Trong ngắn hạn, nhóm phân tích này cho rằng những vướng mắc trên của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ, và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên sự tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu. Sẽ có sự luân chuyển nhanh hơn và ngắn hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu.
|
Các yếu tố ảnh hưởng đến VN-Index trong tháng 11. |
Trong khoảng thời gian này VDSC cho rằng hoạt động giao dịch trên thị trường sẽ vẫn diễn biến khá thận trọng. Ngoài ra, trong những ngày cuối tháng 10, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt đã giúp NHNN có một ít dư địa hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở, giải tỏa một phần áp lực vốn toàn thị trường đang bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này của NHNN vẫn chưa đủ mạnh mẽ để khơi thông dòng vốn hiện đang tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp dự báo sẽ giảm đáng kể trong quý 4/2022.
Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 940- 1.050 điểm. Với diễn biến này, sẽ rất khó để các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận.
"Chúng tôi giữ quan điểm duy trì danh mục phòng thủ với tỷ lệ cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng vị thế tiền mặt sẵn có để lướt sóng cổ phiếu có sẵn trong danh mục nhằm tận dụng lợi thế T+. Nếu kiên nhẫn chờ mua thấp, hiệu suất sinh lời của nhà đầu tư sẽ tốt hơn mua đuổi trong phiên", VDSC khuyến nghị.
Với mức giảm hơn 30% từ đỉnh 1.500 điểm, định giá của VN-Index đã giảm về mức thấp trong nhiều năm, do vậy, nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt/tỷ trọng tiền mặt cao vẫn có thể phân bổ một phần danh mục để tích lũy những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt cho mục tiêu dài hạn.
Trong bối cảnh hiện tại những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao và ngành kinh doanh mang tính chu kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn sẽ với phần còn lại. Bên cạnh đó, sau đại dịch, nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự phân hóa về sức khỏe giữa các ngành, và các doanh nghiệp trong cùng ngành.
VDSC dự báo các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng, y tế, công nghệ và khu công nghiệp sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 4/2022 so với cùng kỳ 2021. Ở chiều ngược lại, các ngành tài chính, vật liệu cơ bản, logistics dự báo sẽ suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
Anh Nhi