Bước sang năm 2021, VCBS kỳ vọng triển vọng và quy mô thị trường cổ phiếu của Việt Nam vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhất định so với năm 2020, nhưng tốc độ sẽ phần nào bị hạn chế do hầu hết các yếu tố hỗ trợ cho quy mô thị trường trong nửa cuối năm 2020 được dự báo sẽ không gia tăng về cường độ và thậm chí là suy yếu trong năm 2021.
VCBS cho rằng mức cao nhất trong năm 2021 của các chỉ số chính được dự báo tăng khoảng 8%-15% so với cuối năm 2020, tuy nhiên sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” và diễn biến cụ thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu.
VN-Index sẽ có xu hướng vận động quanh một “nền” giá cao hơn nhưng biên độ dao động (chênh lệch giữa mức cao nhất và mức thấp nhất trong năm) của VN-Index sẽ vào khoảng 120-150 điểm và không lớn như năm 2020, còn HNX-Index dao động trong biên độ ~20 điểm.
Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2021 tiếp tục cải thiện so với năm 2020, đạt bình quân khoảng 400-410 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng với mức tăng khoảng 5% yoy.
Giá trị giao dịch được kỳ vọng đạt mức tăng khoảng 8% tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 6.900-7.000 tỷ đồng trên cả ba sàn.
|
Triển vọng nào cho TTCK năm 2021? |
Xu hướng đầu tư 2021 thuộc về những ngành cơ bản thiết yếu
Trong bối cảnh tương quan giữa rủi ro và cơ hội, VCBS cho rằng cơ hội đầu tư 2021 sẽ có xu hướng quay về những ngành cơ bản thiết yếu là đầu vào quan trọng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.
Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài, quá trình công nghiệp hóa (và số hóa) của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu là: Điện (cả truyền tải điện và sản xuất điện); Sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép, gỗ, đá); và Sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Đây đồng thời cũng là các nhóm ngành được hưởng lợi từ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công của chính phủ thông qua các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam cũng như sự hồi phục chung của tổng cầu nền kinh tế nội địa.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cho dòng chảy thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khác trong khuôn khổ các hiệp thương mại tự do được ký kết trong thời gian qua cũng như trong tương lai gần, tiêu biểu là nhóm cảng biển – logistics.
Đây đồng thời cũng là những nhóm ngành phụ trợ cho hoạt động chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí nhân công cạnh tranh hơn trong đó có Việt Nam.
Dù có vẻ trái với những định hướng đầu tư đã đưa ra, VCBS cũng muốn nhấn mạnh thêm các cơ hội riêng lẻ cũng đến từ các doanh nghiệp có yếu tố ứng dụng công nghệ mới. Quá trình ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn vào sản xuất kinh doanh và “số hóa” trong nền kinh tế Việt Nam là tất yếu và không thể đảo ngược.
Do đó, cho dù mọi quá trình thay đổi từ cũ sang mới luôn luôn mang lại rủi ro nhưng tiềm năng của sự tăng trưởng năng suất, kết quả kinh doanh và hiệu quả đầu tư mà việc ứng dụng công nghệ mới mang lại vẫn vượt trội hơn nhiều so với các rủi ro trong giai đoạn chuyển đổi. a
Điểm nhấn cuối cùng trong năm sau là các doanh nghiệp riêng lẻ có “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn,…
Anh Nhi