Lãi suất cao ngất ngưởng
Có nhu cầu vay tiền để "lên đời" cho xe ô tô, anh Nguyễn Hoàng Long (Đống Đa- Hà Nội) tìm đến tổ chức cho vay tiêu dùng F. "Thủ tục cho vay tiêu dùng rất đơn giản, nhanh chóng, hơn nữa theo tư vấn thì lãi suất không quá cao nên tôi quyết định vay 100 triệu đồng trong thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, sau 3 tháng đúng hẹn tôi đến trả tiền, họ còn đòi thêm nhiều khoản phí khác mà thỏa thuận trước vay không có"- người vay tiền kể.
Tương tự, chị Lê Thanh H. (Mỗ Lao- Hà Đông) cũng vay tiêu dùng 50 triệu đồng để tiêu dùng cá nhân. Chị Lê Thanh H. cho biết: "Khi nhân viên tư vấn, lãi suất khoản vay là gần 2%/tháng. Đây là mức chấp nhận được. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, lãi suất lại lên tới gần 4%. Nhân viên giải thích lãi suất theo hợp đồng rất lòng vòng, khó hiểu, nhưng mình cần thì vẫn phải vay".
|
Người vay cần đọc kỹ nội dung trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng. |
Theo tính toán của một người hoạt động trong lĩnh vực này, lãi suất khoảng 4-6%/tháng tương đương với giá trị 1.500-2.000 đồng/1 triệu/ngày, đây là mức rất cao đối với người vay.
"Lãi mẹ đẻ lãi con, đến hạn thanh toán người vay mới ngã ngửa vì số tiền phải trả cả lãi cả gốc quá lớn. Tuy nhiên, với mức lãi suất phổ biến này, đa số tổ chức cho vay tiêu dùng vẫn áp lãi suất thấp hơn so với "tín dụng đen"- người này tiết lộ.
Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này nhận được không ít khiếu nại của người tiêu dùng về việc phải vay tiêu dùng với lãi suất quá cao.
"Người tiêu dùng không có khả năng tài chính để trả nợ do kỳ hạn vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn người tiêu dùng được thông báo trong quá trình nhân viên tư vấn, dẫn đến, số tiền trả nợ tăng lên nhiều lần hoặc do mức lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần so với thông tin người tiêu dùng được thông báo trong quá trình tư vấn.
Các trường hợp hồ sơ gửi tới Cục, lãi suất thể hiện trên hợp đồng đều từ 3-5%/tháng (trong khi theo nhân viên tư vấn thông báo thì lãi suất chỉ từ 1-2%/tháng) hoặc xuất hiện các khoản phạt mà trước đó người tiêu dùng không được thông báo, dẫn tới phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng"- đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cho hay.
Chưa kể, hoạt động cho vay tiêu dùng ngày càng phát sinh nhiều tiêu cực, nhất là với các trường hợp người vay không trả nợ đúng hạn thì bị gọi điện, nhắn tin đe dọa, gây tâm lý bất an với người vay và bất ổn cho xã hội.
Thỏa thuận kỹ trước khi ký hợp đồng
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hoạt động cho vay tiêu dùng gần đây phát triển khá mạnh. Nếu như trước đây, nhu cầu vay tiêu dùng chủ yếu phục vụ các nhu cầu của gia đình như: mua sắm ô tô, nhà cửa, ti vi, tủ lạnh... thì gần đây, cho vay tiêu dùng còn hướng đến các cá nhân.
Theo đó, cá nhân vay tiêu dùng để mua mỹ phẩm, hàng hiệu, làm đẹp... đều được đáp ứng. Tuy nhiên, hệ lụy của hoạt động này ngày càng nhiều.
Thực tế tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy một số đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính không có thiện chí phối hợp giải quyết; tạo ra các lý do kéo dài thời gian cung cấp thông tin hoặc không có biện pháp hiệu quả nhằm tiếp nhận và xử lý các vụ việc khiếu nại.
Ngoài ra, phần lớn các nội dung khiếu nại đều phát sinh từ quá trình tư vấn, nói chuyện trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhân viên nên khi xảy ra tranh chấp, các bên không có cơ sở để chứng minh, gây khó khăn cho quá trình làm rõ nội dung thông tin.
Vì vậy, để tránh những thiệt thòi về vật chất và tinh thần, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người vay tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ;
Chỉ nên ký các tài liệu khi đã nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung và đảm bảo chắc chắn các thông tin đó được thể hiện chính xác trên tài liệu được yêu cầu ký;
Đồng thời, cần yêu cầu bên cho vay cung cấp hợp đồng, tài liệu giao dịch có đầy đủ chữ ký, con dấu của đơn vị cung cấp dịch vụ để lưu giữ, đối chiếu và thực hiện đúng theo nội dung trong hợp đồng.
Đặc biệt, khi có tranh chấp phát sinh, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới bộ phận có liên quan của đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư để đảm bảo lưu vết thông tin, tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng nên không có cơ sở giải quyết.
Theo Hà Linh/ANTĐ