Cựu chủ tịch Vinashin dính đại án
6 tháng sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật sờ gáy. Quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định ông Sự đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Tập đoàn Vinashin gửi vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất.
Trước đó, ông Sự từng giữ phó TGĐ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) phụ trách Tài chính của cả tập đoàn. Ông cũng đồng thời được cử là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Đinh Mạnh Thắng và vali 14 tỷ đồng
Ông Đinh Mạnh Thắng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tham ô tài sản ngay sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt. Ông Thắng từng là người nắm giữ chức vụ cao nhất tại CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà. Trước đó, ông Thắng từng có thời gian dài công tác tại các đơn vị thuộc Sông Đà.
Ngày 29/3/2010, Thái Kiều Hương trả công cho Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng tiền công môi giới, tác động Trịnh Xuân Thanh chấp nhận việc bán lại cổ phần.
Khoảng một tuần sau, Hương nhờ ông Thắng chuyển vali chứa 14 tỷ đồng tiền chênh lệch giá cho Trịnh Xuân Thanh. Không có nhà, Đinh Mạnh Thắng đã hướng dẫn Hương chuyển tiền cho vợ. Và khoản tiền trên Thắng đã nhờ người đưa đến tay Trịnh Xuân Thanh.
Nữ đại gia ốm nặng vẫn đòi Maybach, penthouse
Nữ đại gia Hứa Thị Phấn mặc dù bệnh nặng nhưng từ năm 2013 đến nay liên tục có đơn tố cáo và kiến nghị với các ông Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch; Phạm Đăng Quan, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang và nhóm Phương Trang.
Năm 2009, khi bà Phấn phải đi lại bằng xe lăn, ông Luận đưa chiếc xe ôtô Mayback, BKS 51A-048.99 cho bà Phấn sử dụng để đi lại cho thuận tiện; đáp lại, bà Phấn đã giao căn hộ penthouse tại Tòa tháp Topaz 1, Sài Gòn Pearl, 92 Nguyễn Hữu Cảnh (có giá trị cao hơn chiếc xe) và làm thủ tục sang tên cho ông Luận. Tuy nhiên, đến nay ông Luận vẫn không sang tên chiếc xe ôtô cho bà Phấn.
Bầu Kiên nộp 25 tỷ đồng thi hành án
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa thu hồi nốt số tiền trên 25 tỷ đồng còn lại mà ông Nguyễn Đức Kiên-nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB phải thi hành trong bản án về phần dân sự.
Bản án số 570/2014 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Kiên y án sơ thẩm 30 năm tù và phải nộp trên 75 tỷ đồng về hành vi trốn thuế để sung công quỹ nhà nước.
|
Bầu Kiên |
Áp dụng theo Điều 174 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, bà Đặng Ngọc Lan được quyền ưu tiên mua lại 3 bất động sản tại TPHCM kể trên. Tuy nhiên, thực tế bà Lan chỉ nộp tiền và mua lại được 2 nhà đất tại số 78/6 Bình Lợi và nhà đất tại số 22 Hoàng Dư Khương.
Ở một diễn biến khác, với đà tăng giá ấn tượng và ổn định của cổ phiếu ACB trong 1 năm qua, tài sản của vợ chồng ông Nguyễn Đức Kiên đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng nhờ sở hữu hơn 70 triệu cổ phiếu của ngân hàng này.
Đại gia Hồ Huy bế tắc
Thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, việc khoanh và giảm nợ không thuộc thẩm quyền của cơ quan này nên văn bản kiến nghị của Tập đoàn Mai Linh khó thực hiện được. Trong khi đó, đánh giá của giới trong ngành cho thấy, trường hợp của Mai Linh là khó được chấp nhận.
Theo nguyên tắc, vì chưa có văn bản nào quy định về việc khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản nợ BHXH, BHYT, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, CTCP
Tập đoàn Mai Linh của ông Hồ Huy (chủ tịch HĐQT) đã có văn bản cầu cứu Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những khó khăn của công ty.
|
Bầu Đức vui trở lại |
Bầu Đức 'song hỷ lâm môn'
Sau một thời gian dài trắm lắng, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai - HAGL của chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã bất ngờ bùng nổ trong phiên giao dịch kỷ lục. Tổng cộng có tới gần 21,6 triệu cổ phiếu HAG đã được chuyển nhượng. Cổ phiếu HAG tăng trần lên 8.490 đồng/cp.
Bầu Đức nổi tiếng là người đam mê bóng đá. Từ đầu những năm 2000, ông Đức đã bỏ ra cả chục tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho bóng đá. Ông Đức là người tạo nhiều cái tên nổi tiếng của bóng đá Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Lương Xuân Trường.
Trong vài năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức có nhiều hành động rất quyết liệt nhằm tái cơ cấu HAGL. Bầu Đức đã bán toàn bộ mảng mía đường cho các doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành. Doanh nghiệp của đại gia phố núi trước đó cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn.
Bầu Hiển bứt phá
Với kết quả kinh doanh ấn tượng, SHB của ông Đỗ Quang Hiển dự tính nhân viên sẽ có ít nhất 17 tháng lương. Trên sàn HNX, cổ phiếu SHB hiện là “ngôi sao” với thanh khoản dẫn đầu thị trường, thu hút dòng tiền đầu tư rất lớn. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, thị giá SHB đã tăng rất mạnh từ mức 7.300 đồng/CP, lên mức hiện tại 12.400 đồng/CP, tức tăng trưởng gần 70%. Thị giá SHB hiện tại cũng đã tăng hơn 2,5 lần so với thời điểm tháng 3/2017 khi giá SHB giao dịch ở vùng đáy 5.000 đồng/CP.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, SHB hiện có thanh khoản lớn nhất với hơn 10 triệu đơn vị mỗi phiên, có thời điểm lượng khớp lệnh tăng lên mức kỷ lục 22 triệu đơn vị.
|
Bầu Hiển nhận tin vui |
Trần Đình Long vượt mức 1 tỷ USD
Sau khi bất ngờ giảm mạnh trong ngày sàn HoSE giao dịch trở lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã bật tăng mạnh trong sáng 26/1 và thiết lập mức đỉnh mới 63.800 đồng. Tại mức giá này, vốn hóa của Hòa Phát hiện đã lên đến xấp xỉ 97.000 tỷ đồng (4,3 tỷ USD).
Với việc sở hữu 25,15% cổ phần, chủ tịch Hòa Phát hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu có trị giá hơn 24.300 tỷ đồng và là doanh nhân Việt thứ 4 sở hữu lượng cổ phiếu có trị giá từ 1 tỷ USD trở lên cùng với chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, chủ tịch FLC Group Trịnh Văn Quyết và CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo.
Theo Bảo Anh/Vietnamnet