Nghề cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đã được đưa vào Danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nghề làm cốm ở Mễ Trì đến nay có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Ở đây có 2 thôn (Thượng và Hạ) có nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm.
Cuối tháng 9, đầu tháng 10 là thời điểm người dân làng Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tất bật cho vụ cốm mới lớn nhất trong năm.
Các công đoạn để làm ra được hạt cốm khá cầu kỳ, nguyên liệu làm cốm là hạt lúa nếp. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, lúa nếp tan, lúa nếp quýt, lúa nếp cái hoa vàng…
Được tận mắt chứng kiến quy trình làm cốm mới thấy hết sự vất vả của nghề: Lúa gặt về, tuốt lấy hạt, sàng bỏ những cọng rơm, đãi qua nước, chọn lấy những hạt mẩy rồi đổ vào chảo rang bằng gang đúc. Rang lúa sao cho hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu là công đoạn khó nhất trong nghề làm cốm. Ngọn lửa rang cốm cũng cần một sự chăm chút. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều, nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng thì để bớt lửa đi. Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa chút là hạt cốm sẽ gãy.
Ngày nay việc làm cốm có một số công đoạn đã được hỗ trợ bởi thiết bị cơ khí hóa giúp rút ngắn thời gian chế biến, nhưng hầu hết các công đoạn làm cốm vẫn được tiến hành thủ công.
Từ tuốt lúa đến rửa thóc, loại thóc lép, lấy hạt mẩy tới rang cốm, điều lửa… đều đòi hỏi kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người thực hiện.
Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ, người làm cốm ở đây phải chế biến rất công phu và tỉ mỉ mới cho ra được những mẻ cốm mang hương vị thơm ngon.
Theo Tuấn Anh/Sức Khỏe Và Đời Sống