Người trồng vải trông vào xuất khẩu
Vải thiều Thanh Hà đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, so với mọi năm, năm nay, dự báo vải thiều Thanh Hà sẽ mất mùa.
Một chủ vườn vải tại huyện Thanh Hà cho biết, do thời tiết bất lợi, nhiều cây vải không thể ra hoa mặc dù kỹ thuật chăm sóc, bón phân, khoanh cây, đều được thực hiện như mọi năm.
|
Vải thiều Thanh Hà năm 2024 dự kiến mất mùa, chỉ đạt 50% sản lượng so với năm 2023. |
Trao đổi với PLO, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà thông tin, đánh giá sơ bộ, sản lượng vải năm 2024 của huyện Thanh Hà đạt khoảng 22.000 tấn quả, chỉ bằng 50% năm 2023.
Tuy nhiên, theo bà Hà, việc này không quá lo lắng bởi mặc dù sản lượng vải giảm nhưng chất lượng được nâng cao, dự báo giá vải xuất khẩu sẽ cao hơn mọi năm từ 10-20%.
"Vải thiều Thanh Hà có chất lượng tốt, tuy nhiên thực tế vẫn rơi vào tình trạng được mùa, mất giá. Vì thế, từ năm 2011, huyện xác định tập trung mũi nhọn vào việc nâng cao chất lượng, tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chỉ số an toàn trong ngưỡng cho phép tại các thị trường xuất khẩu"- Bà Hà cho biết về giải pháp khắc phục việc được, mất mùa vải bằng cách đẩy mạnh vào xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng, tìm thị trường xuất khẩu
Năm 2024, huyện Thanh Hà có 48 vùng trồng vải với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu (48 mã xuất khẩu sang Trung Quốc, 39 mã xuất khẩu đi Úc, 38 mã xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 34 mã xuất khẩu Nhật, 8 mã xuất khẩu Thái Lan); 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép.
Hiện tại, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty TNHH Rau củ quả an toàn Thanh Hà... đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà với các tổ sản xuất vải được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
|
Người dân huyện Thanh Hà thu hoạch vải thiều năm 2023. |
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà cho hay, ngoài một số thị trường truyền thống đặc biệt là Trung Quốc, huyện Thanh Hà cũng đang tìm đến nhiều thị trường mới để nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện hướng đến việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,...
"Đầu tháng 5, huyện phối hợp Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều với hệ thống thương vụ Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua một số điểm cầu trực tuyến, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, tiêu chuẩn về nhập khẩu tại các nước sở tại’ – Bà Hà nói.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, vải thiều là một trong 8 nông sản chủ lực của tỉnh, được sản xuất tập trung, quy mô lớn, chủ yếu tại huyện Thanh Hà. Vải thiều được ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chăm sóc theo quy trình VietGap, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Tỉnh Hải Dương duy trì hơn 8.800ha trồng vải, trong đó 2.700ha vải sớm và 6.100ha trồng vải chính vụ, cho sản lượng 55.000-60.000 tấn/năm. Do thời tiết không thuận lợi, dự kiến sản lượng vải năm 2024 đạt 40.000-45.000 tấn.
Theo Ngọc Sơn/PLO