Vừa qua, doanh nhân Hồ Nhân, Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện với vắc xin phòng COVID-19 “made in Việt Nam” đầu tiên là Nano Covax.
Nano Covax được Học viện Quân y phối hợp với Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Vắc xin này đã trải qua hai gia đoạn thử nghiệm lâm sàng, cho kết quả khả quan. Bước đầu của giai đoạn 3 cũng cho kết quả tích cực.
|
Doanh nhân Hồ Nhân, Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học dược Nanogen. Ảnh: VOH. |
Công ty Nanogen được thành lập từ năm 1997. Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đều là nguồn vốn tư nhân. Trong đó, cổ đông sáng lập là ông Hồ Nhân, góp 140 tỷ đồng, nắm giữ 70% cổ phần công ty. Trong giai đoạn 2016 – 2019, Nanogen nhiều lần tăng vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông cũng có nhiều biến động. Từ việc chỉ có 3 cổ đông trong nước, Nanogen bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của các cổ đông ngoại.
Hiện tại, vốn điều lệ của Nanogen đã tăng lên 806 tỷ đồng. Tỷ lệ nhà đầu tư trong nước là 77,2%, và tỷ lệ sở hữu nước ngoài là 22,7% (chủ yếu là các nhà đầu tư Hàn Quốc). Vợ chồng ông Hồ Nhân nắm giữ 74,21%.
Theo Báo Nhà Đầu tư, tổng tài sản của Nanogen (công ty mẹ) tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016-2019, với biên độ 171%, từ 504,3 tỷ đồng lên 1.369 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 4,9 lần lên 1.102 tỷ đồng.
Cùng với việc mở rộng quy mô quy mô sản xuất, doanh thu thuần của Nanogen cũng luôn duy trì trên mức 100 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2019 với 190,8 tỷ đồng, song công ty lại bất ngờ ghi nhận lỗ thuần trong năm này với mức 26,5 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi hơn 10 tỷ đồng.
Về phần mình, giai đoạn 2017-2019, Nanogen Pharma chưa phát sinh doanh thu, riêng năm 2019, lỗ thuần 6,5 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty này là 382,7 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu là 201,6 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này đang chịu lỗ luỹ kế gần trăm tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên website, lĩnh vực chính của Nanogen là sản xuất nguyên liệu sinh học Dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp. Cơ sở vật chất của Nanogen gồm có 4 Nhà máy, 1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Việt Nam với tổng diện tích là 73 000 m2.
Với công suất trên 50 triệu sản phẩm/năm, Nanogen đã phân phối sản phẩm tới 15 quốc gia tại Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ.
Ông Hồ Nhân - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Nanogen chính là "cha đẻ" của loại vắc xin này.
Doanh nhân Hồ Nhân sinh năm 1966. Ông lớn lên ở New York (Mỹ) và có bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại đại học Arizona. Doanh nhân Hồ Nhân đã có 20 năm nghiên cứu công nghệ sinh học ở nước ngoài trước khi về Việt Nam lập công ty sản xuất thuốc sinh học trị liệu.
Năm 2008, ông Hồ Nhân về Việt Nam định cư. Sau đó, ông Hồ Nhân mở một phòng thí nghiệm nhỏ tại quận Tân Phú trước khi dời cơ sở về khu Công nghệ cao ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Dấu ấn của doanh nhân Hồ Nhân không chỉ trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Nanogen mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Ông Hồ Nhân được biết đến là thành viên HĐQT Công ty Chứng khoán VinaSecurities trong khoảng thời gian từ 2013- 2017. Ngoài ra, ông Nhân còn có khoản đầu tư đáng chú ý khác tại CTCP Dịch vụ Một Thế Giới (ONW), chuyên phát hành và phát triển các game online.
Vợ ông Hồ Nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là doanh nhân có tiếng và là một thành viên trong gia tộc sở hữu gia tộc sở hữu Sơn Kim Group, một tập đoàn kinh doanh đa ngành từ bất động sản, bán lẻ đến thời trang.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ ngày 26/6, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết, Công ty đang thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) trên 13.000 tình nguyện viên và sắp tới sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 3c trên 1 triệu người, đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới về vắc xin.
Ông Hồ Nhân cũng tiết lộ, công suất sản xuất hiện tại của Công ty đạt khoảng 8 đến 12 triệu liều mỗi tháng và tới tháng 9 có thể lên tới 30 đến 50 triệu liều mỗi tháng.
Trước yêu cầu tiêm chủng quy mô lớn trên cả nước, Công ty đã tiến hành nhiều cải tiến công nghệ, như đóng lọ vắc xin có sẵn kim tiêm, thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều khi tiêm.
Đặc biệt, Công ty cho biết đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thời gian tới, tổ chức này sẽ xem xét đưa Nano Covax vào chương trình COVAX nếu đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, hàng chục quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối vắc xin của Công ty. Lãnh đạo Nanogen khẳng định, yêu cầu quan trọng nhất với vắc xin Nano Covax là phải an toàn, sinh miễn dịch tốt. Vắc xin này có giá thành khoảng 120.000 đồng mỗi liều và giá này không thay đổi.
Hoàng Minh