Minh bạch, tiện ích và chất lượng
Phát biểu tại cuộc đối thoại nóng bỏng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN đã đưa ra nhận định dưới góc độ người tiêu dùng rằng việc tận dụng công nghệ số như Uber, Grab là rất hay và cho rằng “Không ai đi xe này mà phàn nàn, giá cạnh tranh lại biết trước giá, rất minh bạch”.
|
Nhiều xe ô tô lưu thông trên đường là xe Uber, Grab. Ảnh: P.V |
Ý kiến ngắn gọn và có phần bị lọt thỏm giữa rất nhiều cáo buộc của các DN taxi truyền thống với Uber, Grab này trên thực tế đã và đang phản ánh đúng thực tế thị trường và ý kiến của nhiều người tiêu dùng. Trên các diễn đàn, cộng động mạng, hàng nghìn người đã bày tỏ quan điểm đánh giá về loại hình taxi công nghệ. Nhiều người cho rằng ngay cả khi Uber, Grab tăng giá vào giờ cao điểm họ vẫn chọn vì sự tiện ích và minh bạch.
“Đi Uber, Grab không phải lúc nào cũng rẻ nhưng tôi chưa bao giờ phải bực mình vì lái xe nhắn nhó, chê bai khách hàng đi đường ngắn hay khó chịu vì chất lượng phục vụ kém. Bên cạnh đó, chưa đi đã biết giá cước, minh bạch chẳng phải tranh cãi, dịch vụ tốt lại có thể giám sát hành trình nên hoàn toàn an tâm đặt xe đưa đón con hay người quen.” Vi Nguyễn, một thanh viên diễn đàn Otofun chia sẻ.
Việc không được chủ động khi gọi xe taxi truyền thống là lý do khiến nhiều khách hàng chọn Uber, Grab và chấp nhận trả giá cao. “Khi cầu lên cao, giá tăng là dễ hiểu. Tôi chấp nhận giá cao còn hơn phải chờ cả buổi vì vào giờ cao điểm, lúc trời mưa gọi xe taxi truyền thống cực khó”, một độc giả tại Hà Nội khẳng định.
Trên thực tế, việc tận dụng nền tảng công nghệ đã giúp tiết kiệm chi phí cho cả lái xe lẫn người tiêu dùng, tránh mọi tranh cãi liên quan tới giá cước.
“Từ ngày tham gia dịch vụ Grab Bike, tôi chẳng còn phải chèo kéo khách hàng cũng không phải tranh cãi hay mặc cả về giá. Mọi thứ đơn giản và thuận tiện lại không mất nhiều thời gian chờ”, anh Tuấn Anh, một lái xe Grab Bike chia sẻ sau 6 tháng chuyển đổi từ xe ôm truyền thống sang làm cho Grab Bike.
Ngoài ra, sự đa dạng về dịch vụ như dịch vụ chuyển hàng, Grab Bike hay Grabshare mang tới cho nhiều lựa chọn và vô hình chung ghi điểm trong mắt khách hàng.
Nên để thị trường “phán quyết”
Trao đổi với báo giới, TS Lê Đăng Doanh cho hay, ông ủng hộ việc có một cơ chế hoạt động bình đẳng, công khai minh bạch giữa Uber, Grab và taxi truyền thống và nhấn mạnh rằng cần phải đảm bảo được sự cạnh tranh trên thị trường còn trong cạnh tranh ai đầu tư không đạt hiệu quả thì chấp nhận bị thiệt hại.
Chuyên gia này cho rằng trong câu chuyện giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ, thay vì sử dụng mệnh lệnh hành chính, cấm đoán thì hãy để thị trường điều tiết và các cá nhân tham gia thị trường quyết định.
Còn TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng Uber và Grab là một loại hình vận chuyển theo công nghệ mới, một ứng dụng đặc trưng của thời đại công nghệ 4.0, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng và xã hội, nhưng đã bị nhìn nhận lệch lạc hoặc cố tình làm cho lệch lạc.
Theo chuyên gia này, thông qua hệ thống chấm điểm từ cả người mua và người bán, hệ thống này điều chỉnh hành vi người tham gia thị trường một cách hữu hiệu hơn bao giờ hết, giúp thông tin minh bạch hơn và làm mọi người tử tế với nhau hơn và đây là một giải pháp về giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn. Nhờ có sự tiện dụng và chi phí hạ của xe hợp đồng điện tử, nhiều người trong thành phố đã không còn muốn sở hữu xe riêng, hoặc nếu có thì cũng rất ít khi sử dụng trong nội thành.
Do đó, chuyên gia này nhận định để có một thái độ quản lý phù hợp với thời đại, trước hết, các nhà quản lý cần thừa nhận những tính năng ưu việt của xe hợp đồng điện tử, xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích công cộng, và lợi ích môi trường và từ đó hướng thị trường phát triển.
Theo Lâm Anh/Lao động