Ông Li Shufu, Chủ tịch của nhà sản xuất ôtô Geely của Trung Quốc, vừa có thương vụ đầu tư trị giá 9 tỷ USD để thâu tóm gần 10% cổ phần của Daimler và trở thành cổ đông lớn nhất của hãng xe sở hữu thương hiệu Mercedes Benz.
|
Tỷ phú Li Shufu.Ảnh: Reuters. |
Ông Li, hiện sở hữu tài sản khoảng 18 tỷ USD, từng nói rằng ông không hứng thú với việc thâu tóm Daimler.
Không biết chính xác mục đích của tỷ phú giàu thứ 10 Trung Quốc trong thương vụ này, tuy nhiên, CNN nhận định nhiều dấu hiệu cho thấy ông Li quan tâm tới nền tảng kỹ thuật của hãng xe Đức.
“Để thành công và nắm bắt được đỉnh cao công nghệ, một người phải có bạn bè, đối tác và đồng minh, và phải thích nghi với cách tư duy mới về việc chia sẻ và sức mạnh thống nhất”, ông Li nói trong một thông cáo vào cuối tuần trước.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Li muốn nắm bắt được công nghệ năng lượng sạch của Dailmler nhằm giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của Geely tại Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới và cũng là nơi chính phủ đang đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng xe điện.
"Daimler hiện sở hữu công nghệ tiên tiến có liên quan nhiều tới các lĩnh vực Geely đang theo đuổi, đặc biệt là xe chạy điện”, ông Bill Russo - người sáng lập, CEO của hãng tư vấn đầu tư Automobility có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định.
Trước đó, Daimler từng tuyên bố muốn đầu tư 10 tỷ Euro (12,3 tỷ USD) vào phát triển ôtô chạy năng lượng sạch. Ông Russo cho rằng các linh kiện như pin điện và hệ thống quản lý là mối quan tâm đặc biệt đối với tỷ phú Trung Quốc và công ty của ông.
Các nhà đầu tư tỏ ra hết sức lạc quan với thương vụ này, giúp cổ phiếu của Geely tăng 6,5% trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong hôm 26/2.
Việc chuyển giao công nghệ giữa các công ty phương Tây và đối tác Trung Quốc là vấn đề hết sức nhạy cảm. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang điều tra vấn đề liên quan tới việc ép buộc chuyển giao tài sản trí tuệ
Tuy nhiên, ông Russo cho rằng Daimler có thể sẵn sàng hợp tác với Geely trong công nghệ xe điện nếu điều này giúp công ty tiếp cận sâu hơn được thị trường ôtô khổng lồ của Trung Quốc. Thế nhưng việc này cũng có thể khá phức tạp bởi các mối quan hệ hợp tác hiện tại của Daimler với nhiều đối tác ở Trung Quốc.
Theo quy định tại Trung Quốc, các nhà sản xuất ôtô nước ngoài muốn vào nước này phải lập liên doanh với các công ty bản địa. Hiện tại, Daimler đã có vài đối tác như vậy, trong đó có liên doanh với công ty nhà nước BAIC Motor và nhà sản xuất pin, xe điện BYD - công ty cũng được tỷ phú Warren Buffett đầu tư.
Hôm thứ 6 tuần trước (23/2), BAIC cho biết công ty này và Daimler có kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ USD xây nhà máy mới để sản xuất xe điện.
Về phía Daimler, sau thương vụ với Geely, công ty này cho biết BAIC vẫn là “một đối tác mạnh” của mình tại Trung Quốc.
"Daimler biết rõ và đánh giá cao ông Shufu - một doanh nhân Trung Quốc đặc biệt hiểu biết rộng với tầm nhìn rõ ràng. Hợp tác với ông ấy, một công ty có thể bàn thảo về sự thay đổi của cả ngành công nghiệp”, Daimler nói trong một thông cáo.
Trước thương vụ với Daimler, đế chế Geely của ông Li đã có vài bước tiến lớn vào ngành công nghiệp ôtô của châu Âu. Năm 2010, công ty này thâu tóm hãng xe Thụy Điển Volvo Cars từ tay Ford trong thương vụ trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Đây là thương vụ đánh dấu màn tấn công của công ty này trên trường quốc tế. Năm ngoái, Geely tiếp tục nắm quyền kiểm soát hãng xe thể thao biểu tượng của Anh - Lotus Cars.
Theo Phương Anh/Zing News