Sau sự cố Chủ tịch bị khởi tố, TVC và TVB đều báo lỗ khủng, chị gái "cầm trịch"
Tháng 12/2022, Viện Kiểm sát đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Thanh Tùng (Chủ tịch TVB và TVC) về tội Thao túng thị trường chứng khoán căn cứ theo Quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt (HoSE: TVB) số 20/QĐ-CSKT-P10 ngày 20/4/2022.
Cụ thể, từ tháng 1-10/2021, ông Đỗ Thành Nhân (cựu Chủ tịch Louis Holdings kiêm Thành viên HĐQT TGG và BII) đã thông đồng với ông Đỗ Đức Nam (cựu Tổng Giám đốc TVB) và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu TGG, BII và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Ngay sau đó, TVC và TVB đã bầu bà Phạm Thị Thanh Huyền đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của cả hai công ty trên. Bà Huyền chính là chị gái ông Phạm Thanh Tùng.
Chiến lược của cả hai công ty trong thời gian tới là tập trung vào hoạt động tự doanh, trong đó phân bổ 90% vào các cổ phiếu bluechip và vốn hoá lớn, vừa. Trong đó khoảng 50-70% đầu tư trung - dài hạn, 30-50% đầu tư ngắn hạn dưới 3 tháng. Đồng thời, phân bổ 5-10% để đầu tư ngắn hạn 1-3 tháng với một số cổ phiếu vốn hoá vừa/nhỏ có cơ bản tốt và có khả năng có biến động giá mạnh trong ngắn hạn.
Đồng thời, TVC và TVB sẽ tái cấu trúc mô hình và bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, phát triển trọng tâm, nâng cao chất lượng nhân sự. Đặc biệt, chú trọng tăng cường giám sát việc điều hành thực hiện của hệ thống, nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo việc thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, hai doanh nghiệp này đều có tỷ trọng đầu tư cổ phiếu HPG rất lớn trong danh mục đầu tư chứng khoán. Trong đó, TVC ghi nhận giá trị ghi sổ đầu tư chứng khoán là 1.301 tỷ đồng, riêng cổ phiếu HPG chiếm nhiều nhất tới 897 tỷ đồng, FPT ở mức 289 tỷ đồng, MWG 70 tỷ đồng, còn lại các mã khác. Nhưng TVC đã phải dự phòng tới 358 tỷ cho HPG, 4,8 tỷ cho FPT và 3 tỷ cho MWG, các cổ phiếu khác là gần 9 tỷ.
Còn TVB đang ghi nhận giá trị gốc đầu tư nhiều nhất vào cổ phiếu HPG là 171 tỷ đồng (giá trị hợp lý chỉ còn 90 tỷ đồng) và FPT 178 tỷ đồng (giá trị hợp lý 183 tỷ). Còn lại nắm lượng ít tại NKG 17,4 tỷ đồng, MWG 65 tỷ đồng, MBB hơn 5 tỷ đồng.
|
Group Trí Việt |
Cùng lên kế hoạch thoát lỗ khủng để có lãi
Còn về kế hoạch chi tiết, CTCP Chứng khoán Trí Việt (HoSE: TVB) đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu đạt 62 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng. Đồng thời dự kiến chia cổ tức không quá 10% vốn điều lệ căn cứ vào kết quả kinh doanh và lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Kế hoạch này của TVB ghi nhận doanh thu lao dốc 60% so năm 2022, nhưng lợi nhuận lại khả quan khi có lãi trong khi năm qua lỗ khủng gần 318 tỷ đồng.
Trong năm nay, TVB sẽ mua lại 5 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu. Việc mua lại cổ phiếu sẽ giúp hạn chế lượng cổ phiếu lưu hành trôi nổi, nắm giữ bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, góp phần ổn định giá cổ phiếu TVB.
TVB cũng nỗ lực giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, hoàn thành công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và đang tiếp tục làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) để sớm đưa cổ phiếu TVB ra khỏi diện hạn chế giao dịch.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (HNX: TVC) cũng thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 với tổng doanh thu 112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng. Kế hoạch này ghi nhận giảm phân nửa về doanh thu nhưng lại khả quan về lợi nhuận so năm 2022 bởi công ty thua lỗ khủng tới 887 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh lỗ năm 2022 chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và trích lập dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu. Đến nay danh mục đầu tư của Công ty gồm HPG, MWG và FPT đã hồi phục rất lớn và có tiềm năng tăng trưởng trở lại theo thị trường cũng như bản chất kinh doanh của các doanh nghiệp đều hiệu quả. Ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng, giá cổ phiếu HPG và FPT, MWG sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc đại hội cổ đông thường niên năm 2022 đã thông qua phương án phân chia lợi nhuận năm 2021, trong đó có nội dung trả cổ tức lần 2 năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng với 118 tỷ đồng.
Do thời gian trước, Công ty tập trung vào thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, đồng thời ưu tiên nguồn lực cho các việc cấp thiết hơn nên sẽ xem xét xử lý việc này vào giai đoạn cuối năm nay. Thị trường chứng khoán hồi phục cũng là cơ hội thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của Công ty, hỗ trợ cho dòng tiền của doanh nghiệp để thực hiện việc chi trả nốt cổ tức 2021.
Minh An