Để giảm lượng điện năng tiêu thụ một cách tối đa khi sử dụng nồi cơm điện, hãy làm theo những bước dưới đây:
Thường xuyên vệ sinh nồi
Khi nấu cơm, nhiều hơi nước và cặn bã sẽ tích tụ và bám vào các chi tiết của nồi cơm điện. Khi nguồn điện dẫn đến các thiết bị này để nồi hoạt động thì bị những chất cặn bã này cản trở làm hao phí điện năng. Không những thế, sau một thời gian sử dụng, nhiều loại nồi thường có dấu hiệu nấu cơm lâu hơn, nấu không ngon, có cháy, không chín đều, hoặc xuất hiện mùi khét lạ,...
|
Vệ sinh nồi cơm điện không cẩn thận có thể khiến nồi giảm tuổi thọ, ảnh hưởng đến chất lượng cơm nấu. (Ảnh minh họa) |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu này là việc vệ sinh nồi không cẩn thận. Khi lau chùi nồi cơm điện, không những lau sạch phần bên ngoài, nắp nồi và ruột nồi, bạn còn cần phải làm sạch phần đĩa cứng đệm giữa đáy nồi và ruột nồi, hay còn gọi là mâm nhiệt.
Mâm nhiệt là 1 trong những bộ phận quan trọng quyết định tới tuổi thọ nồi cơm điện, chất lượng cơm nấu và giá thành nồi, nhưng lại thường bị dính cơm, bụi bẩn,... và ít được chú ý.
Van thoát hơi thông minh của nồi cũng nên vệ sinh đều đặn để đảm bảo những cặn thức ăn, nước không đọng lại trong van giúp van hoạt động tốt, chống trào hiệu quả, giữ lại nhiều dưỡng chất có sẵn trong thực phẩm.
Vì vậy, bạn cần luôn vệ sinh nồi cơm điện từ thân nồi đến lòng nồi để nồi nấu cơm nhanh hơn, ngon hơn và lại tiết kiệm điện.
Không cắm cơm lâu trước giờ ăn
Nhiều người có thói quen cắm cơm trước giờ ăn từ 1-2 tiếng, hoặc sau khi đã ăn xong lại muốn cơm luôn nóng nên cứ để phích cắm như vậy vì nồi có chế độ ủ nóng. Họ lầm tưởng rằng năng lượng điện chỉ được tiêu thụ khi đang nấu cơm còn ở chế độ hâm nóng thì tốn ít điện.
Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm bởi ở chế độ nào thì năng lượng điện tiêu thụ cũng như nhau. Sau khi cơm chín, nồi cơm điện thường tự động chuyển sang chế độ giữ ấm với nhiệt lượng thấp hơn nhưng nồi vẫn đang tiêu tốn điện năng, thời gian giữ ấm càng lâu, điện hao phí càng lớn. Việc ủ cơm giữ nhiệt như vậy rất tốn điện năng.
Tốt nhất là bạn nên cắm cơm trước khi ăn khoảng 30-45 phút và cắm bữa nào ăn ngay bữa đó.
Chọn mua nồi có dung tích, công suất phù hợp
Khi mua nồi, bạn nên chọn những nồi có dung tích, công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Những nồi cơm điện có dung tích lớn thì thời gian cũng như năng lượng sử dụng để làm nóng bên trong cũng nhiều hơn. Nồi có dung tích, công suất càng nhỏ thì điện năng tiêu thụ càng thấp.
Nếu gia đình chỉ 2 người thì bạn nên chọn nồi cơm điện có dung tích dưới 1 lít; gia đình có 2-4 người chọn nồi dung tích từ 1-1,5 lít; gia đình có 4-6 người thì chọn nồi dung tích 1,6-2 lít; gia đình nhiều hơn 6 người thì nên chọn nồi dung tích hơn 2 lít.
Chọn nồi có có dung tích, công suất phù hợp vừa tiết kiệm điện vừa khiến nồi bền lâu.
Ngâm gạo trước khi nấu
Bạn nên ngâm gạo trước khi nấu với nước ấm hoặc nóng trước khi nấu. Cách này sẽ khiến cơm nhanh chín và tiết kiệm đến 30% điện năng tiêu thụ.
Không những thế, ngâm gạo trước khi nấu còn làm cho cơm nở đều, chín mềm, thơm ngon hơn.
Theo Hạnh Nguyên/Vietnamnet