Nhiều chuyên gia và báo chí gần đây bàn về triết lý kinh doanh "win - win", hiểu nôm na là hai bên, chủ và khách cùng thắng. Từ khi du nhập vào Việt Nam, triết lý này đã thổi một luồng gió mới vào môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thoát khỏi "tư duy tiểu nông" của nước ta.
Sách lịch sử ghi rằng từ thế kỷ XII ở Nhật Bản đã hình thành triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi (ba bên cùng có lợi). Tức là không phải hai chữ "win" như đã nói ở trên mà còn thêm một chữ "win" nữa: không chỉ là bên bán, bên mua cùng thắng mà cộng đồng dân cư nơi người thương nhân đến làm nghề cũng phải được hưởng lợi.
|
Khaisilk chỉ nghĩ đến cái lợi, phần thắng của riêng mình. |
Khi so sánh, tôi nhận thấy triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi của Nhật Bản bao hàm cả nội dung "Phát triển bền vững" mà hiện nay các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, ngân hàng ADB... khuyến cáo các nước đang phát triển áp dụng.
Sách dạy môn Đạo đức cho học sinh trong nhà trường Nhật Bản quyển dùng cho lớp 5 – 6, chương "Làm việc lợi ích vì cộng đồng" ghi lại câu chuyện: "Từ thời đại Kamakura (1192 – 1333) ở Nhật Bản ra đời cụm từ “Thương nhân vùng Oumi”. Người dân vùng Oumi (ngày nay thuộc tỉnh Shiga) có truyền thống làm kinh doanh, họ đi khắp các vùng miền nước Nhật để hành nghề buôn bán.
Một tiêu chí hành nghề do họ đặt ra là công việc kinh doanh được coi là thành công phải mang lại điều lợi ích cho ba đối tượng: chủ thể là người kinh doanh, khách thể là người mua hàng và cộng đồng dân cư tại địa phương nơi họ đến hành nghề. Từ đó mà hình thành ra thuật ngữ Sanpo-yoshi (ba bên cùng có lợi) trong kinh doanh của người Nhật.
Nhờ làm theo triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi mà những thương nhân vùng Oumi đã cống hiến cho sự phát triển ngành thương mại của xã hội thời bấy giờ, đồng thời trở thành nền tảng triết học giúp nước Nhật sản sinh ra những thế hệ thương nhân tài năng, luôn tuân thủ đạo đức kinh doanh.
Thực tế cho thấy nhiều thương gia Nhật Bản khi đến Việt Nam đầu tư làm ăn luôn luôn đề cao chữ tín và giữ đức kiên nhẫn. Khác với tính qua loa cả nể thích phóng đại của đa số người Việt, các thương gia Nhật Bản cẩn trọng trong từng việc làm tỉ mẫn từng thao tác nhỏ... Nhiều người địa phương nếu không am hiểu văn hóa kinh doanh của Nhật dễ phát sinh những đánh giá bốc đồng, thậm chí nảy sinh sự bất hòa và đánh mất thiện chí hợp tác...
Hàng hóa mang thương hiệu Nhật Bản có chất lượng cao trụ vững qua nhiều cơn sóng gió của thương trường, đồng thời nhận được sự yêu chuộng của số đông người tiêu dùng trên thế giới là câu trả lời khách quan nhất về đạo đức kinh doanh của người Nhật.
Trông người lại ngẫm đến ta. Vụ việc Khaisilk hàng chục năm bán hàng lụa của Trung Quốc mà dán nhãn “Made in Vietnam” để thu lãi gấp nhiều lần so với giá vốn cho thấy ngay cả một doanh nghiệp nổi tiếng là "đại gia" mà "tư duy tiểu nông", vẫn còn nặng nề đến nhường nào! Một doanh nghiệp thành công mà chỉ biết giành cái lợi, phần thắng về cho mình, bất chấp lợi ích của khách hàng cũng như cộng đồng.
Và Khaisilk chắc hẳn không phải trường hợp cá biệt. Ở Việt Nam không ít người khi hành nghề kinh doanh chỉ hướng tới nhấn mạnh một chữ "win" đầu tiên trong triết lý "win - win" mà thôi! So với tiêu chuẩn hai chữ "win" của thế giới và ba chữ "win" của Nhật Bản thì chúng ta còn một khoảng cách xa.
Theo Trúc Nguyễn/Vietnamnet