Phiên đầu tháng 1/8, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 66,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,3 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,32 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,25 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,65 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,15 triệu đồng/lượng.
Chốt phiên giao dịch 31/8, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 67,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,25 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 67,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,27 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 67,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 67,5 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 68,2 triệu đồng/lượng.
|
Biểu đồ giá vàng.
|
Tính từ đầu tháng, giá vàng tại SJC tăng 950.000 đồng/lượng, còn tại Doji tăng 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, với lãi suất cao nhất tiền gửi là 4,75%/năm kỳ hạn 1 tháng niêm yết ngày 1/8, nếu gửi 67,3 triệu đồng (bằng với giá vàng SJC đầu tháng), khách hàng chỉ nhận được tiền lời gần 230.000 đồng.
Liên quan tới việc có nên tiết kiệm hay mua vàng thời điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, đầu tư gì, ở đâu đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc. Đó là phải sinh lời, an toàn vốn và đầu tư phải có tính thanh khoản.
Theo ông Hiếu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn có khả năng tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất đó sẽ áp lực giảm giá vàng, tăng giá trị của đồng USD.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông, từ nay đến cuối năm, giá vàng trên thế giới sẽ tăng. Điều này khiến giá vàng trong nước cũng sẽ tăng.
"Tôi không khuyên nên mua vàng nhưng có thể xem xét việc mua vàng bên cạnh việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Khi giá vàng lên cao, sẽ có nguồn sinh lợi cao hơn tiền gửi ngân hàng”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia tài chính này vẫn khuyến cáo, gửi tiết kiệm vẫn là phương án tối ưu cho những người có số tiền tương đối nhỏ.
Theo Duy Anh/VietNamnet