Vượt mặt đàn anh kỳ cựu như Huỳnh Đức và Công Vinh, Công Phượng trở thành cầu thủ Việt Nam được xuất ngoại thi đấu nhiều và thành công nhất trong lịch sử. Sau thời gian khoác áo Mito Hollyhock và Incheon United, tiền đạo của HAGL tiếp tục được sắp sang Pháp thử việc. Trong trường hợp thất bại, anh cũng không trở về đá V-League 2019 mà được bầu Đức sắp xếp cho thử sức ở những đội bóng châu Âu khác.
|
Tới nay, Công Phượng là cầu thủ xuất ngoại thi đấu nhiều nhất. |
CP10 chỉ chơi 7 trận tại Nhật Bản và 8 trận tại Hàn Quốc, không ghi được bàn thắng nào. Tuy nhiên, nếu so với số lần được ra sân khi xuất ngoại của đàn anh Huỳnh Đức và Công Vinh, anh vẫn là người được đá nhiều hơn. Rõ ràng, chàng tiền đạo học trò cưng của HLV Park Hang-seo cũng đã có được một khoản thu kha khá về mặt chuyên môn.
Đặc biệt, khi xuất ngoại, Công Phượng thu hoạch lớn về mặt tài chính. Nếu ở lại HAGL,
lương của Công Phượng hơn 20 triệu mỗi tháng. Trong khi đó khoản thưởng cho cầu thủ sau mỗi trận thắng của HAGL cũng đang giảm dần khi bầu Đức gặp khó khăn kinh tế, thay vì hàng tỷ trước đây giờ chỉ là 200 triệu đồng mỗi trận thắng. Thêm vào đó là số trận thắng của đội bóng phố núi cũng không nhiều. Điển hình V-League 2018 họ chỉ có 8 trận thắng trong cả mùa giải, con số trên là ở mùa giải 2017 là 9.
Ở Pleiku, thu nhập lớn nhất của Công Phượng đến từ quảng cáo. Trước khi Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh nổi lên, anh chính là người có tần xuất được mời quảng cáo nhiều nhất Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả tiền chân sút người xứ Nghệ được bỏ túi. Theo quy định ăn chia của CLB, anh chỉ được nhận 40%, số còn lại là của HAGL.
Trong giới cầu thủ, khoản tiền lớn nhất của họ đến từ “lót tay” khi ký hợp đồng. Công Phượng thì chưa được hưởng điều này bởi vẫn phải đá cho HAGL theo hợp đồng đào tạo trẻ. Khi gia nhập lò HAGL Arsenal JMG, Công Phượng ký hợp đồng gắn bó đến năm 28 tuổi với đội bóng phố núi nên phải đến tuổi trên anh mới có hợp đồng mới, mới nhận được lót tay.
Ra nước ngoài thi đấu theo hợp đồng cho mượn chính là cách tốt nhất để Công Phượng kiếm tiền. Khi đầu quân cho Mito Hollyhock vào năm 2016, Công Phượng được nhận số tiền 20.000 USD trong tổng số 100.000 USD chuyển nhượng mà CLB Nhật Bản chi trả. Anh cũng bỏ túi số tiền lương 3000 USD mỗi tháng, cao gấp 3,5 lần so với lương tại HAGL.
|
Công Phượng trong màu áo CLB Incheon của Hàn Quốc. |
Thương vụ tới đầu quân cho Incheon United vào tháng 1/2019 mới thực sự mang lại cho Công Phượng nhiều tiền bạc. Anh bỏ túi gần một tỷ đồng trong tổng số 3,5 tỷ đồng mà đội bóng Hàn Quốc phải chi cho HAGL.
Đặc biệt, mức lương của Công Phượng tại xứ sở kim chi là 230 triệu đồng mỗi tháng. Con số trên thực sự rất "khủng khiếp" với các cầu thủ Việt Nam nếu biết rằng những đàn anh "số má" ở trong nước của Công Phượng như Văn Quyết, Thành Lương cũng chỉ có được 50 triệu đồng mỗi tháng.
Đặc biệt, thương vụ đến Incheon United của Công Phượng tạo ra bước đột phá về mặt hình ảnh, giúp anh thu quảng cáo tốt hơn. Lee Dong-jun, đại diện của HLV Park Hang-seo chính là người đứng ra đạo diễn thương vụ chuyển nhượng này.
Khi đồng ý sang Hàn Quốc chơi bóng, Công Phượng và CLB HAGL phải chấp thuận ký hợp đồng đại diện với công ty của Lee Dong-jun. Chính đối tác này đứng ra lo chỗ ở, xe ô tô và làm hình ảnh, truyền thông cho Công Phượng, đồng thời kết nối với các báo, nhãn hàng của Hàn Quốc và Việt Nam để thực hiện các thương vụ quảng cáo. Dù chỉ ở Hàn Quốc trong vòng sáu tháng, số tiền hình ảnh mà Công Phượng thu về cũng lên tới hơn 3 tỷ đồng.
Phương Quỳnh