Từ niềm đam mê cây cảnh, ông Mỹ đã có thu nhập cao, vươn lên làm giàu.
Đam mê cây cảnh
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bonsai và mai vàng trên diện tích 200m2, ông Mỹ bộc bạch: "Ngày trước tôi làm nghề kinh doanh vận tải, thời gian rảnh rỗi tôi ra vườn chăm một vài gốc cây bonsai để thỏa mãn niềm đam mê...".
"Tôi nghiên cứu đọc sách, tìm hiểu thêm về cây cảnh, bonsai qua những buổi triển lãm, Hội hoa xuân, sau đó mua các cây bán thành phẩm về làm.
Từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, công việc gặp nhiều khó khăn, nên tôi quyết định tập trung phát triển vườn bonsai, mai vàng để mang lại thu nhập cho gia đình", ông Mỹ nói thêm.
Với niềm đam mê trồng cây cảnh, ông Mỹ chăm chỉ học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc cây trên mạng, sách báo, tham gia các hội nhóm để tiếp thu những cách làm mới.
Có nhiều lần cây bị chết, nhưng ông không bỏ cuộc mà lấy đó làm bài học kinh nghiệm để ngày càng tiến bộ hơn.
Ông Quang Mỹ tìm kiếm, sưu tầm các cây phôi, cây nguyên liệu, những cây tưởng như đơn giản nhưng khi qua quá trình tạo tác, cắt tỉa, chăm sóc trở thành những tác phẩm nghệ thuật giàu sức sống, đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu mới của người chơi cây cảnh.
Sau nhiều năm miệt mài, đến nay, ông Mỹ đã tạo dựng được vườn cây cảnh đa dạng, với hàng chục chậu bonsai lớn nhỏ, có đầy đủ các chủng loại, mỗi cây mang những dáng thế, phong cách riêng. Chủ yếu là các loại cây cảnh có khả năng thích ứng với khí hậu nhiệt đới như: cây mẫu đơn, cây tùng, mai chiếu thuỷ, linh sam....
Ông Mỹ cho biết, chỉ những ai thực sự yêu cây và có tính kiên trì thì mới gắn bó lâu dài với nghề. Bởi trồng cây cảnh phải đầu tư thời gian và công sức, nhiều loại cây còn phải xử lý kỹ thuật, chăm sóc đều đặn, tỉ mỉ, nhẹ nhàng.
Ngoài ra, phải có khiếu thẩm mỹ, trí tưởng tượng phong phú để "hô biến" những gốc cây xù xì thành tác phẩm nghệ thuật có hồn cốt và mang giá trị độc nhất.
Ông Mỹ sưu tầm các phôi cây về chăm sóc, uốn nắn và mất nhiều năm để tạo hình thành một sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông luôn tỉ mỉ chăm sóc, khéo léo uốn nắn, miệt mài trau chuốt. Chính vì thế, ông yêu cây như những đứa con của mình và không muốn bán. Dù nhiều cây được định giá cao nhưng ông vẫn giữ lại để ngắm nhìn.
Theo ông Mỹ, cây bonsai thường hay bị thối rễ, do tưới quá nhiều nước hoặc khả năng thoát nước của đất không tốt. Vì vậy, ông chọn loại đất akadama có độ thoát nước tốt, đồng thời có khả năng giữ được một lượng nước nhất định để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho cây.
Ngoài ra, đất akadama với cấu tạo khá giống đất sét, thô và cứng, có chứa rất nhiều lỗ hổng thoáng khí cần thiết cho cây, giúp cây có thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, ông tưới nước cho cây đúng cách và đều đặn, hoặc pha một ít phân vào nước để tưới giúp tăng khả năng hấp thụ của bộ rễ.
Thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm
Cùng với trồng cây bonsai, ông Mỹ còn trồng vườn mai vàng với số lượng hơn 100 cây. Ông Mỹ chia sẻ: "Cây mai có sức sống dẻo dai, bền bỉ, nhưng cũng là một loại cây khó trồng. Vì thuộc loại cây hay mắc nhiều bệnh như đốm lá, rỉ sắt, bệnh cháy lá….
Có những bệnh phải mất ít nhất 6 tháng để chữa trị, còn đối với cây mai bị bệnh nặng thì mất vài năm mới có thể phục hồi lại như trước.
Thêm vào đó, người chơi mai còn đặc biệt quan tâm đến tạo dáng, thế và chăm sóc để cây nở hoa đúng dịp Tết".
Mỗi dáng, mỗi thế mai đều mang nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, tùy vào sở thích mà cây mai sẽ được uốn theo nhiều kiểu dáng khác nhau. Việc tạo dáng cho gốc mai sẽ được thực hiện bằng nhiều cách như: cắt gọt, đục đẽo cho lồi lõm, làm lão hóa, tăng thêm giá trị của cây mai.
Kỹ thuật uốn, tạo thế cho cây mai không phải việc đơn giản, chỉ dành cho người chơi mai có đôi bàn tay khéo léo, nhiệt huyết và yêu cây.
Ông Mỹ bộc bạch: "Vườn mai của tôi đa số có tuổi đời từ 30 đến 70 năm, với 3 loại mai đọt xanh (Quảng Nam), mai Huế và mai Hồng Diệp (miền Nam).
Những cây mai lớn tuổi thì thường khả năng trổ hoa đúng Tết cao, nên tôi canh thời gian trước Tết khoảng 35 ngày là bắt đầu lặt toàn bộ lá để cây tập trung chất dinh dưỡng cho hoa.
Sau khi lặt lá, thì tuỳ vào thời tiết sẽ bón phân thêm cho cây, búp đã lớn thì giảm tưới nước. Còn nếu búp nhỏ thì siêng tưới để thúc cho mai nở hoa đúng ngày Tết".
Ông thường cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thuê mai chưng dịp Tết với giá từ 15-20 triệu đồng/cây (tùy loại). Ngoài ra, thỉnh thoảng ông xuất bán vài cây mai với giá từ 200-300 triệu đồng/cây.
Vườn cây bonsai và mai vàng có giá trị hàng tỉ đồng đem lại cho gia đình ông Mỹ hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Mỹ hiện là Chi hội trưởng Chi hội sinh vật cảnh quận Liên Chiểu, ông thường xuyên tổ chức các buổi họp, giao lưu để các thành viên, người chơi cây cảnh cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật, nâng cao tay nghề.
Ông Lê Duy Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) chia sẻ: "Mô hình trồng cây cảnh của ông Mỹ là một trong những điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương, là nơi thu hút đông các hội viên nông dân, người chơi cây cảnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Với sự nỗ lực phát triển, trồng cây cảnh không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp ông Mỹ làm giàu".
Theo Tuyết Nhung - Trần Hậu/Dân Việt