Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế tài chính Quảng Tây, Trung Quốc, Liu Yiling trở thành nhân viên của một công ty ở Nam Ninh. Suốt 6 năm trời, cô làm việc trong lĩnh vực tài chính. Nhờ kiến thức chuyên môn vững vàng, sự chăm chỉ, cô dần trở thành nhân viên trụ cột và được ban lãnh đạo tin tưởng. Khi bố mẹ cảm thấy an tâm với việc con gái có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao thì Liu lại tính đến phương án kinh doanh riêng để theo đuổi mơ ước của mình.
Sau một thời gian suy nghĩ, Liu báo tin sẽ nghỉ việc, công ty có động thái giữ chân nữ nhân viên đã công tác lâu năm. Thậm chí, lãnh đạo công ty chịu nâng lương cho cô lên 200.000 tệ/năm (700 triệu đồng/năm), tức mỗi tháng gần 60 triệu đồng. Mục đích của ban lãnh đạo công ty là mong Liu thay đổi suy nghĩ, tiếp tục ở lại gắn bó với công việc. Tuy nhiên, cô vẫn kiên quyết nghỉ để tìm hướng đi riêng trong lĩnh vực kinh doanh.
Sau khi nghỉ việc, cô mở nhà hàng ở Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc. Bố mẹ cô vẫn ủng hộ miễn con gái thích thú với công việc. Tuy nhiên, Liu phá sản chỉ sau 1 năm, mất sạch số tiền đầu tư vào nhà hàng.
"Lúc đó, tôi chán nản. Không ngờ công việc kinh doanh đầu tiên trong đời lại kết thúc như vậy", Liu kể. Trong lần đến thăm vườn cây ăn quả của bạn, cô đã thưởng thức cam, quýt và quyết định trồng cây ăn quả khởi nghiệp.
Ban đầu, chuyện làm vườn cây ăn quả của cô cũng không suôn sẻ, cố gắng lắm mới thuê được 2 mẫu đất cằn cỗi. Trước đây, khu vực cô thuê là đất hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người, đường đi không có. Sau khi thuê xong, cô ở trên núi, khai phá đất hoang để có thể trồng trọt.
Cô Liu biến đất hoang thành nơi kiếm tiền tỷ mỗi năm.
Nhiều người bĩu môi và khẳng định "Cô ấy sẽ về thành phố trong 2 tháng nữa cho mà xem". Thế nhưng, Liu đã quyết tâm thực hiện được ước mơ kinh doanh, dọn sạch cỏ, mở đường để trồng cây ăn quả. Lúc đó, dân làng mới có ánh mắt thiện cảm và khâm phục ý chí.
Sau khi cải tạo xong đất, Liu đến thăm các trang trại khác để học cách bón phân, diệt côn trùng, tỉa cành, cắt lá... Cô còn thuê cả thạc sĩ ở viện nghiên cứu làm tư vấn, giúp tiếp cận công nghệ mới. Ban đầu, cô không chỉ là chủ vườn còn là nhân viên, người làm thuê... làm tất cả mọi việc.
Sau đó, cô gái trẻ nhận thấy, cam được trồng ở vùng này có chất lượng tốt hơn các vùng khác. Cho nên, Liu bắt tay vào trồng các loại cam, lập hợp tác xã chuyên trồng cây ăn quả, thu hút 200 nông dân ở các làng xung quanh vào hợp tác xã. Diện tích đất trồng mở rộng lên 300ha.
Nhờ mở rộng quy mô, có thời điểm, sản lượng cam của hợp tác xã hơn 1 tấn, giá trị đưa về là hơn 8 triệu tệ (gần 28 tỷ đồng). Ngày nay, hợp tác xã của Liu không chỉ là nơi trồng mà còn là cơ sở nghiên cứu, phát triển, bán hàng... trở thành mô hình được nhiều nơi đến tham quan, học hỏi.
Không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có lúc quá vất vả khiến Liu nghĩ đến bỏ cuộc. Nhưng đằng sau cô là nhiều xã viên hợp tác xã, cô không cho phép dừng lại, luôn nghĩ đến trách nhiệm đang gánh trên vai.
"Mong muốn của tôi là trái cây của hợp tác xã thành sản phẩm có thương hiệu, bán đi khắp thế giới, để hoa quả nơi đây là "hoa quả vàng", cô bày tỏ.
Theo Nghi Dung/Dân Việt