Như
Kiến Thức đưa tin
Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Âu quảng cáo lừa đảo khách hàng, cụ thể hình ảnh cá nhân chị P.T. - một quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm (ở Trung Kính, Hà Nội) bị Fanpage “Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Âu” (được cho là của Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Âu - địa chỉ số 289 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ lên mạng xã hội nhằm quảng cáo dịch vụ làm đẹp khi mà chị này không thực hiện bất kỳ loại hình dịch vụ thẩm mỹ nào ở đây, đang thu hút sự chú ý của dư luận.
|
Hình ảnh chị P.T được đăng tải lên Fanpage "Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Âu" khiến chị bức xúc. |
Theo lời của chị P.T., ngay khi phát hiện ra hình ảnh cá nhân bị sử dụng trái phép, chị đã gọi và trao đổi thông tin với người em (người biết rõ những bức hình trên của chị ấy) ngay lập tức. “Em ấy nói, đã làm việc với Thẩm mỹ viện (TMV) Quốc tế Bắc Âu nhưng họ không chịu gỡ hình ảnh xuống”, chị P.T. cho biết.
Trước sự việc này, câu hỏi được đặt ra: Fanpage “Thẩm mỹ viện Quốc tế Bắc Âu” có đúng là của TMV này? Nếu fanpage đúng, một khách hàng không thực hiện bất kỳ dịch vụ thẩm mỹ nào mà vẫn bị TMV đưa hình ảnh lên để quảng cáo có sai quy định pháp luật, có phải TMV Quốc tế Bắc Âu “lừa đảo” khách hàng?
|
TMV Quốc tế Bắc Âu có đang quảng cáo lừa đảo khách hàng? |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông luật - Đoàn luật sư TP HCM - cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Đặc biệt, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ luật này được đánh giá có tính đột phá, thể hiện được đầy đủ vai trò là xác lập, bảo vệ quyền dân sự, trong đó có quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân.
Quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đên danh dự, nhân phẩm…
Vì vậy, việc pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ cho mỗi cá nhân quyền đối với hình ảnh đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm. Ngoài ra, còn góp phần đảm bảo trật tự xã hội và giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người tôn trọng quyền đối với hình ảnh của cá nhân, khi có hành vi vi phạm.
Theo luật sư Bình, khi sử dụng hình ảnh của một ai đó, yêu cầu phải có được sự chấp thuận của người có hình ảnh được sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận. Nếu tự ý sử dụng hình ảnh người khác thì tùy theo tính chất mức độ, hậu quả xảy ra mà bị xử lý theo quy định của pháp luật tương ứng.
Với trường hợp của chị P.T, TMV Quốc tế Bắc Âu có thể bị cơ quan chức năng áp dụng theo điểm e, điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013 để xử phạt hành chính với số tiền từ 10 -20 triệu đồng.
Luật sư Bình phân tích: "Quy định này áp dụng để xử phạt đối với một trong các hành vi như: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác".
Vị luật sư cũng cho biết: "Nếu chị P.T nhận thấy việc TMV Quốc tế Bắc Âu sử dụng hình ảnh của chị làm ảnh hưởng đến bản thân thì có thể giải quyết theo ba cách sau: Thứ nhất, gửi đơn hoặc có yêu cầu trực tiếp đến TMV Quốc tế Bắc Âu đang sử dụng hình ảnh của chị buộc gỡ bỏ những hình ảnh xuống; Thứ hai, chị P.T gửi đơn đến cơ quan Sở TT&TT nơi TMV Quốc tế Bắc Âu cư trú hoặc có trụ sở; Thứ ba, gửi đơn yêu cầu TAND giải quyết".
Hiện, để khách quan trước sự việc xảy ra cũng như các thông tin khác liên quan đến phạm vi quảng cáo, hoạt động chuyên môn của TMV Quốc tế Bắc Âu, PV Kiến Thức đã đến liên hệ, đặt lịch làm việc với TMV này và phía Thanh tra Sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, cả hai đơn vị vẫn chưa có phản hồi.
Kiến Thức tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết:
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Điều 32 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Bảo Ngân