Theo các chuyên gia, vụ truy thu hơn 80 triệu đồng tiền nước sạch của một hộ gia đình có nhiều điểm Công ty nước sạch Tây Hà Nội phải làm rõ.
Đồng hồ đo nước sai lệch, truy thu 53 tháng tiền nước
Đầu tháng 3/2023, anh Nguyễn Minh Thắng (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhận được cuộc gọi của nhân viên Công ty nước sạch Tây Hà Nội. Cuộc gọi thông báo việc đồng hồ nước khu nhà cho thuê trọ thuộc sở hữu của gia đình anh xuất hiện lỗ thủng cùng một que tăm cắm vào công tơ.
Đại diện công ty nước nhận định que tăm này cắm vào đã gây cản trở việc đo nước. Tức là, nước có vào nhưng đồng hồ sẽ không chạy.
Đại diện Công ty nước sạch Tây Hà Nội sau đó lập biên bản kiểm tra hệ thống nước, nội dung biên bản là: "Đồng hồ bị cháy mặt hiển thị, tiết diện cháy khoảng 2 cm. Tại vị trí cháy có một lỗ thủng cùng một que tăm". Đồng thời, người nhân viên này cũng thông báo rằng có dấu hiệu của việc đánh cắp nước nên đã tháo đồng hồ để niêm phong. Nguồn nước của khu trọ cũng bị cắt từ thời điểm này.
Anh Nguyễn Minh Thắng khẳng định gia đình không làm việc này nên không ký vào biên bản.
"Mỗi tháng phía công ty nước đều có nhân viên đến kiểm tra đồng hồ để chốt số nước. Vậy mà đến giờ họ lại bảo không biết đồng hồ thủng từ bao giờ rồi phạt truy thu chúng tôi từ lúc lắp đồng hồ. Vậy hàng tháng, họ lấy căn cứ ở đâu để thu tiền nước nhà tôi?”, anh Thắng hỏi.
|
Đồng hồ đo nước của gia đình anh Thắng có dấu hiệu bị can thiệp? Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Về phía mình, Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội đã tính truy thu toàn bộ tiền nước từ lúc lắp đặt đồng hồ cho đến nay (hơn 53 tháng) là khoảng 80 triệu đồng.
Giải thích về số tiền trên, Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội cho rằng họ căn cứ vào số lượng phòng trọ của gia đình cho thuê là 12 phòng, 15 người. Với trung bình mỗi người sử dụng 4 m3/tháng (căn cứ vào khối lượng nước trung bình mỗi người sử dụng 1 tháng quy định tại Thông tư liên tịch 75/2012). Tổng số nước doanh nghiệp xác định truy thu đối với khu trọ này là 60 m3/tháng. Mức giá nước sạch kinh doanh là 25.000 đồng/tháng. Do vậy, với 53 tháng, số tiền truy thu là 79,5 triệu đồng.
Ngoài ra, do đồng hồ nước bị xác định có dấu hiệu can thiệp, doanh nghiệp thu thêm 1,15 triệu đồng. Tổng số tiền là 80,65 triệu đồng.
“Đây là số tiền dựa trên mức sử dụng ước tính của khách hàng khi đồng hồ không bị can thiệp. Khi khách hàng làm việc với công ty, công ty sẽ trừ đi phần gia đình đã nộp hàng tháng”, Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội thông tin.
Việc ngừng cung cấp nước có thể chưa đúng quy định
Theo Tiến sĩ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, việc sai lệch đồng hồ nước có thể diễn ra bởi một số trường hợp sau: Thứ nhất đồng hồ bị sai lệch do gia đình tự điều chỉnh; Thứ hai đồng hồ bị sai lệch do một tác động khách quan nào đó.
Để thực hiện việc truy thu, Công ty nước sạch Tây Hà Nội phải đưa được bằng chứng sai lệch cũng như cung cấp được cơ sở pháp lý để căn cứ vào đó thực hiện việc truy thu tiền nước đã qua sử dụng của hộ gia đình anh Thắng.
|
Việc Công ty nước sạch Tây Hà Nội ngừng cung cấp nước có thể chưa hoàn toàn đúng quy định |
Theo Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Hội Luật sư TP HCM), liên quan đến vấn đề ngừng dịch vụ cung cấp nước, Nghị định số 12/VBHN-BXD của Bộ Xây dựng ngày 27/4/2020 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch có một số quy định như sau: Khoản 15 điều 2, “trộm cắp nước là hành vi lấy nước trái phép không qua đồng hồ đo nước, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của đồng hồ và các thiết bị khác có liên quan đến đo đếm nước, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đồng hồ và các hành vi lấy nước gian lận khác”; Điểm a khoản 2 Điều 45, đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 49 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11.7.2007 Qquy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm tổ chức ghi đúng chỉ số đồng hồ nước theo định kì và thông báo cho khách hàng sử dụng nước, khách hàng sử dụng nước có quyền kiểm tra, giám sát việc ghi chỉ số đồng hồ của đơn vị cấp nước”.
Theo gia đình anh Thắng, hàng tháng phía Công ty nước sạch Tây Hà Nội đều có nhân viên đến kiểm tra công tơ nhưng đều không phát hiện bất cứ vấn đề gì. Gia đình anh Thắng cũng đóng tiền nước đầy đủ hàng tháng, chưa bao giờ đóng thiếu, đóng chậm.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, việc Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội ngay sau khi cho rằng đồng hồ đo lưu lượng nước của gia đình anh Thắng sai lệch đã ngừng cấp nước là chưa đúng với quy định của pháp luật.
Gia đình anh Thắng có thể làm đơn khiếu nại gửi Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội, yêu cầu công ty làm rõ nguyên nhân đồng hồ bị sai lệch dẫn đến chỉ số đo không đúng với lượng nước đã tiêu thụ và hai bên có thể thỏa thuận số tiền gia đình phải truy thu. Nếu yêu cầu không được đáp ứng, gia đình anh Thắng có thể làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ quyền lợi cho gia đình hoặc khởi kiện tại Tòa án, yêu cầu giải quyết theo thủ tục tố tụng.
Tuy nhiên, nếu gia đình anh Thắng có hành vi gian lận hay điều chỉnh đồng hồ nước, có chứng cứ thì phải bồi thường cho Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội những tổn thất do hành vi này gây ra. Ngoài ra, hành vi ăn cắp nước, nếu chưa đến mức bị truy tố, còn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo các luật sư, khi chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến việc đồng hồ đo nước của gia đình anh Thắng bị sai lệch, Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội vẫn cần phải bảo đảm ổn định dịch vụ cấp nước, theo quy định tại Điều 58 Nghị định 12, thay vì ngừng dịch vụ cung cấp nước ngay sau khi phát hiện sự cố.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin./.
Minh Châu