Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị vừa công bố quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T và Công ty CP Tập đoàn Cienco4. Dự án thực hiện theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Trong liên danh trúng thầu, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T được biết đến là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group), có trụ sở đặt tại số 2A, phố Phạm Sư Mạnh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Doanh nghiệp được thành lập ngày 10/6/2015, đăng ký hoạt chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ. Tháng 4/2023, doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và sau đó 1 tháng (tháng 5/2023) doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng.
Về T&T Group, tìm hiểu được biết đây là một tập đoàn kinh tế đa ngành có bề dày nhiều năm hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư tài chính; đầu tư - phát triển - kinh doanh bất động sản; nông - lâm nghiệp; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; y tế - giáo dục - thể thao. Trên trang website doanh nghiệp, T&T Group được giới thiệu có quy mô vốn điều lệ của ở mức 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản 45.000 tỷ đồng và sở hữu 200 công ty thành viên trực thuộc và liên danh liên kết…
Những năm qua, T&T Group được biết đến là một nhà đầu tư “quen mặt” tại tỉnh Quảng Trị khi tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, thương mại dịch vụ tại địa phương này.
Đơn cử như: Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải (thuộc huyện Gio Linh) với tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, T&T Group cũng tham gia vào dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I (1.500 MW) cùng các doanh nghiệp khác là Tổng Công ty năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO). Tổng vốn đầu tư giai đoạn I của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).
Trước đó, năm 2021, T&T Group cũng tiến hành khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp du lịch – dịch vụ - đô thị và sân golf tại khu vực xung quanh hồ Nghĩa Hy (thuộc khu vực xã Cam Thành và thị trấn Cam Lộ) với quy mô đề xuất 614ha.
|
Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị. Ảnh: Internet. |
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Cienco4 có tiền thân là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 được cổ phần hóa vào ngày 2/6/2014 với tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước thông qua Bộ Giao thông vận tải là 35%. Tháng 12/2014, Nhà nước thoái vốn toàn bộ tại Tổng Công ty này
Tập đoàn Cienco4 chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào cuối tháng 4/2017. Trụ sở chính của Cienco4 hiện nay ở tòa nhà ICON4, 243A Đê La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Cienco4 được thành lập ngày 5/11/2010, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, Cienco4 có vốn điều lệ là 3.573 tỷ đồng.
Thông tin trên tờ Người Quan sát, theo Mirae Asset, Cienco4 là doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, vận hành trạm thu phí BOT, cung cấp dịch vụ cho thuê thiết bị, cho thuê văn phòng và mặt bằng. Trong đó, mảng xây dựng là hoạt động kinh doanh chính, thường chiếm hơn 60% doanh thu qua các năm.
Trước đó, Cienco4 đã liên tiếp trúng thầu tại nhiều dự án trọng điểm gần đây, trong đó có thể kể đến là cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh với giá trị trúng thầu hơn 1.800 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau giá trị hơn 1.700 tỷ đồng; gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km54+500-Km68+854,48 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) dự án thành phần 2 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với giá trị gói thầu hơn 2.992 tỷ đồng; Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội giá trị gần 900 tỷ đồng; Vành đai 3 vùng TPHCM giá trị 1.417 tỷ đồng...
Hiện tại, Cienco4 cũng đang “góp mặt” tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam như gói thầu XL04 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; gói XL02 dự án Dầu Giây - Phan Thiết...
Quay trở lại với dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, được biết, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2021, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 8/2023.
Theo thiết kế, dự án sẽ được xây dựng trên diện tích hơn 265ha tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án có diện tích đất sử dụng 265,372ha (chưa bao gồm diện tích đất khu quân sự là 51,2ha). Trong đó, diện tích đất dùng chung là 177,642ha. Diện tích đất khu hàng không dân dụng là 87,73ha. Đối với khu đất quân sự (51,2ha), sẽ đầu tư khi quân đội có nhu cầu.
Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 2 là 5.821 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu 1.092 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 18,8%), vốn vay tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.729 tỷ đồng (tương đương 81,2%). Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng trong vòng hai năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng.
Dự án được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn là cảng hàng không cấp 4C; có khả năng phát triển cho khai thác tàu bay code E; cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế khi có nhu cầu theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.
Liên Hà Thái (t/h)